Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì các cuộc làm việc.
Tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn giám sát ghi nhận, thời gian qua, Sở đã tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành và thực hiện đúng, kịp thời các chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, đã phối hợp với các địa phương tập trung rà soát, sắp xếp, sáp nhập các trường, điểm trường; điều chỉnh lại số học sinh/lớp và quy mô số lớp học/trường phù hợp với thực tiễn của địa phương; cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có, đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng viên chức, hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trực thuộc; thực hiện các giải pháp để bố trí hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ. Việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đang có 37 đơn vị sự nghiệp công lập với 1.757 người làm việc hưởng lương ngân sách Nhà nước (giảm 17 đơn vị so với năm 2015). Trong đó, đã chuyển 13 trung tâm GDNN - GDTX và 4 trường phổ thông dân tộc nội trú về trực thuộc quản lý của 13 địa phương; đúng tỷ lệ, số lượng và lộ trình Trung ương giao. Giai đoạn 2023 - 2025, Sở dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách Nhà nước.
Ghi nhận những kết quả ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã đạt được, Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến: Công tác quản lý tài sản công, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá cụ thể đối với từng đơn vị tự chủ; khó khăn khi tự chủ tài chính theo danh mục sự nghiệp công lập; chất lượng, hiệu quả hoạt động sau khi thực hiện tự chủ, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan... Đồng thời, nêu cụ thể những vướng mắc khi luân chuyển đội ngũ giáo viên, bố trí vị trí việc làm; đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường tư trên địa bàn, công tác tinh giản biên chế thuộc các nhóm đối tượng; thí điểm mô hình giáo dục chất lượng cao; y tế học đường...
Tại thị xã Đông Triều, báo cáo của UBND thị xã cho thấy, địa phương hiện có 12 phòng chuyên môn, 82 đơn vị sự nghiệp công lập, 1 Trung tâm Hành chính công, 1 Hội Chữ thập đỏ được giao biên chế. Số người làm việc được giao, phê duyệt năm 2024 gồm: 86 công chức; 2.386 viên chức. Số lượng người làm việc được phê duyệt tại đơn vị đảm bảo 100% chi thường xuyên là 168; hợp đồng lao động là 103.
Tính đến ngày 31.12.2023, thị xã đã sắp xếp, tổ chức lại còn 82 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 6 đơn vị so với năm 2015; giảm 7 đơn vị so với năm 2017; giảm 1 đơn vị so với năm 2021). Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên tính đến ngày 31.12.2023 là 2.315 người (giảm 110 người so với năm 2015; giảm 133 người so với năm 2017; giảm 10 người so với năm 2021). Trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên tính đến ngày 31.12.2023 là 165 người (tăng 147 người so với năm 2015, tăng 99 người so với 2017; tăng 7 người so với năm 2021).
Từ năm 2015 đến nay, thị xã Đông Triều thực hiện tinh giản biên chế 61 viên chức. Việc đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập đã đáp ứng yêu cầu về tính chặt chẽ, hiệu quả; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Đến nay, 82 đơn vị sự nghiệp công lập được UBND thị xã phê duyệt tự chủ tài chính; 35/35 đơn vị được UBND thị xã đề nghị Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định Đề án tự chủ; 32/35 đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt đề án tự chủ; 3 đơn vị đang hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh.
Tại cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị, đại diện thị xã Đông Triều làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc xử lý các tài sản công sau dồn ghép; hiệu quả đối với đơn vị tự chủ; thực hiện các biện pháp nâng mức tự chủ; các khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động của 2 Ban Quản lý chợ trực thuộc UBND thị xã; đời sống cán bộ, công chức, viên chức sau khi tinh giản biên chế…
Kết luận các cuộc làm việc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực và kết quả các đơn vị đạt được trong công tác tham mưu thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất về khó khăn, vướng mắc để tổng hợp, báo cáo đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình thực tế.