Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì các buổi làm việc.
Tại Sở Y tế, thời gian qua, đơn vị đã tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành và thực hiện đúng, kịp thời các chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; hệ thống các văn bản pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập dần từng bước được hoàn thiện, tăng cường phân cấp, phân định rõ hơn thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và của mỗi cấp chính quyền; ban hành các tiêu chí, điều kiện thành lập, sáp nhập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở cho việc sắp xếp hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cả về tổ chức bộ máy và nhân lực. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Hiện, Sở Y tế có 29 đơn vị sự nghiệp công lập với gần 500 khoa, phòng; 2.935 người làm việc hưởng lương ngân sách Nhà nước, giảm 12 đơn vị so với năm 2015, bảo đảm đúng tỷ lệ, số lượng và lộ trình Trung ương giao. Giai đoạn 2023 - 2025, Sở dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách Nhà nước trong các đơn vị.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị Sở Y tế làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến: Công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập; những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ; tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; chất lượng, hiệu quả hoạt động sau khi thực hiện tự chủ tại các đơn vị, chất lượng dịch vụ công; mô hình trung tâm y tế đa chức năng cấp huyện; việc giao đất, tài sản công, bố trí bàn giao các trụ sở tài sản công sau khi sắp xếp; các định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng giá cho các đơn vị y tế tuyến huyện; lộ trình nâng mức tự chủ đối với các đơn vị thuộc nhóm 3 (tự chủ một phần)…
+ Trước đó, làm việc với Sở Nội vụ, Đoàn giám sát ghi nhận, Sở đã tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành và thực hiện đúng, kịp thời các chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tăng hiệu quả hoạt động và phối hợp công tác của các đơn vị; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; chất lượng giải quyết công việc, phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về sắp xếp tổ chức bộ máy. Đến nay, toàn tỉnh có 762 đơn vị sự nghiệp công lập với 23.970 người làm việc hưởng lương, giảm 103 đơn vị và 2.800 người so với năm 2015, bảo đảm đúng tỷ lệ, số lượng và lộ trình Trung ương giao.
Căn cứ chỉ đạo của Trung ương về tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, giai đoạn 2023 - 2026, toàn tỉnh dự kiến sẽ giảm thêm 80 đơn vị sự nghiệp công lập và 10% số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách Nhà nước trong các đơn vị.
Cùng với ghi nhận những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đề nghị, Sở Nội vụ làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến: Công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; cung ứng dịch vụ, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị; chính sách thu hút nhân tài; khó khăn, bất cập trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật…
Tại huyện Tiên Yên: Theo báo cáo của UBND huyện, toàn huyện có 50 cơ quan, đơn vị trực thuộc, bao gồm: 13 cơ quan chuyên môn, 5 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện; 29 đơn vị trường học; 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn (Văn phòng Đăng ký sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện); 1 tổ chức xã hội (Hội Chữ thập đỏ được giao biên chế); 1 mô hình thí điểm (Trung tâm Hành chính công).
Tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động được giao, phê duyệt năm 2024 là 1.165; trong đó công chức 67, số lượng người làm việc 1.089, trong đó sự nghiệp Giáo dục đào tạo 1.018; sự nghiệp Văn hoá thông tin 14; sự nghiệp khác 20; số lượng người làm việc được phê duyệt 37; hợp đồng lao động 9; hợp đồng 111 là 4; hợp đồng lao động làm việc tại Trung tâm HCC là 5.
Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tính đến ngày 15.11.2023 là 35, giảm 3 đơn vị so với năm 2015, giảm 4 đơn vị so với năm 2017; giảm 1 đơn vị so với năm 2021; đạt chỉ tiêu giảm 10% theo mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII. Dự kiến trong năm 2024 tiếp tục giảm 2 đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục. Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên tính đến ngày 31.12.2023 là 1.052 người; giảm 60 người so với năm 2015; giảm 62 người so với năm 2017; giảm 21 người so với năm 2021. Tính đến ngày 15.11.2023, các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự bảo đảm chi thường xuyên cho 35 người (tăng 18 người so với năm 2015; tăng 19 người so với 2017; tăng 8 người so với năm 2021).
Từ năm 2015 đến nay, huyện thực hiện tinh giản biên chế 104 viên chức; thực hiện dồn ghép 77 điểm trường, 181 lớp học, giảm 288 biên chế làm việc. Giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2026. Đến nay, 4 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và tự bảo đảm một phần kinh phí chi thường xuyên thuộc huyện đã hoàn thành xây dựng đề án tự chủ, 1 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên được UBND tỉnh phê duyệt đề án tự chủ. Từ 2018 đến nay, UBND huyện thực hiện giao tự chủ theo lộ trình từ 15 - 20% đối với 3 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại buổi giám sát, Đoàn giám sát đề nghị huyện Tiên Yên làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến chính sách thực hiện các loại hình dịch vụ công, đối với đơn vị sự nghiệp công lập; hiệu quả của việc giảm điểm trường mầm non, tiểu học; việc xử lý các tài sản công sau dồn ghép, sắp xếp điểm trường; tuyển dụng đầu vào của ngành giáo dục, chế độ kiêm nhiệm; hiệu quả đối với đơn vị tự chủ, trong tinh giản biên chế, tự chủ một phần đối với đơn vị giáo dục công lập; chế độ chính sách đối với đội ngũ kiêm nhiệm.
Kết luận các buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị trong thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian qua.
Về những kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện của các đơn vị, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo đến các bộ, ban, ngành Trung ương, Chính phủ và Quốc hội để nghiên cứu, xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình thực tế.