Bàlamôn giáo

Hòa quyện phong tục, tập quán người Chăm

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 17:16 - Chia sẻ
Theo các nhà nghiên cứu, Bàlamôn giáo du nhập vào Chămpa rất sớm. Lịch sử cho thấy, từ thế kỷ II - IX SCN, đạo Bàlamôn luôn được các triều đại Chămpa coi trọng, sùng bái. Nhưng tôn giáo này chỉ đến được với tầng lớp vua chúa, quý tộc và tăng lữ Bàlamôn, còn dân chúng ở các tầng lớp dưới vẫn giữ truyền thống bản địa.
	Các vị chức sắc thực hiện nghi thức đón nhận y trang nữ thần Pô Inư Nưgar - Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn
Các vị chức sắc thực hiện nghi thức đón nhận y trang nữ thần Pô Inư Nưgar
 Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn

Khi tầng lớp vua chúa, quý tộc Chăm không còn nữa, Bàlamôn giáo dần mất vị thế trong xã hội Chăm. Người Chăm đã sàng lọc, lược bỏ những gì không phù hợp với đời sống dân chúng của giáo lý Bàlamôn, thay vào những yếu tố bản địa, hình thành nên một tôn giáo riêng - Bàlamôn giáo của người Chăm. Người Chăm theo Bàlamôn giáo được gọi là Chăm Bàlamôn hoặc Chăm Ahier, Chăm Rặt (Chăm Jat).

Người Chăm Bàlamôn hiện sinh sống ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Giáo lý, giáo luật của Bàlamôn giáo của người Chăm không có hệ thống rõ ràng, được bản địa hóa và hòa quyện vào phong tục, tập quán của người Chăm. Bộ kinh Veda (Vệ đà) được các tăng lữ tu sĩ (Passeh) Chăm Bàlamôn từ xa xưa phiên dịch ra tiếng Chăm, ghi lại trong thư tịch cổ, được truyền từ đời này qua đời khác và thay đổi trong quá trình vận dụng phù hợp với thực tiễn tín ngưỡng, tôn giáo và đời sống xã hội Chăm.

Bàlamôn giáo đề cao phụ quyền, nhưng khi du nhập vào xã hội mẫu hệ của người Chăm đã được “Chăm hóa” với nhiều biến đổi, biểu hiện ở một số điểm chính. Thứ nhất, Bàlamôn giáo coi Brahma là vị thần sáng tạo tối cao, toàn trí toàn năng, là nguyên lý cấu tạo và chi phối vũ trụ; trong khi đó, người Chăm Bàlamôn lại cho rằng Đấng tạo hóa là “Mẹ xứ sở” Pô Inư Nưgar.

Thứ hai, về tang ma, giáo lý Bàlamôn giáo quy định: “Sau khi thiêu, những mảnh xương chưa cháy hết và tro được thu gom rồi thả xuống sông Hằng”. Người Chăm Bàlamôn cũng thiêu người chết nhưng chỉ giữ lại 9 mảnh xương trán rồi làm lễ nhập kút dòng họ mẹ.

Thứ ba, nghi lễ cưới hỏi của người Chăm Bàlamôn không theo chế độ phụ quyền như quy định của Bàlamôn giáo chính thống mà hoàn toàn chịu sự chi phối của chế độ mẫu hệ Chăm.

Bàlamôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa Chăm, làm cho văn hóa Chăm rất phong phú, đa dạng, thể hiện rõ ở các công trình kiến trúc, điêu khắc, chữ viết và trong việc thờ cúng thần linh của người Chăm.

Người Chăm Bàlamôn có các lễ trọng như: Lễ Yuon Yang, Lễ hội Katê, Lễ Cabur, Lễ mở cửa tháp.

Trần Phan (http://btgcp.gov.vn/)