Hoàng hôn Afghanistan trên đất Libya

Bình Minh 04/04/2011 07:50

Không quá khó để hiểu được mục đích của chiến dịch “Bình minh Odyssey” là lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, cho dù “những người giải phóng” vẫn khẳng định ngược lại. Nhưng lật đổ như thế nào, bằng lực lượng nào và vũ khí gì vẫn còn là điều tranh cãi. Tệ hơn nữa là cho đến nay vẫn không rõ liên minh quân sự chống Gaddafi có sẵn sàng huy động lực lượng đủ để giành chiến thắng trong chiến tranh và (sau đó là) kiến tạo hòa bình ở Libya hay không. Nhưng có thể thấy rõ trên mảnh đất Libya lúc này là bóng dáng “mô hình chiến tranh Afghanistan” mà Mỹ đang sa lầy ở đó.

Một thành viên quân nổi dậy Libya mệt mỏi trong trận chiến Nguồn: AP
Một thành viên quân nổi dậy Libya mệt mỏi trong trận chiến
Nguồn: AP

Nhiều người vẫn còn nhớ những tuyên bố đại loại như: “Trong bất cứ điều kiện nào quân đội Mỹ cũng sẽ không đổ bộ xuống Libya” hay “Washington không có trách nhiệm huấn luyện và hỗ trợ phe chống đối Libya hay tái thiết nước này sau khi Muammar Gaddafi bị lật đổ”. Khi tuyên bố những điều đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates muốn dành công việc này cho “những nước khác”, ám chỉ đó là nhiệm vụ của các đồng minh trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng mặt mũi phe đối lập ở Libya như thế nào vẫn còn là một ẩn số mà phương Tây chưa hình dung được.

Như đã nói, mục đích của chiến dịch “Bình minh Odyssey” là lật đổ Gaddafi và phương Tây dự kiến “nhờ” phe đối lập ở Libya “thanh toán” nhà lãnh đạo này. Với cam kết như vậy, phương Tây phải sử dụng mô hình chiến tranh giống như mô hình Mỹ đã sử dụng ở Afghanistan để lật đổ chế độ Taliban năm 2001. Tuy nhiên, trong bối cảnh lực lượng chống đối ở Libya đang dậm chân tại chỗ dù được không quân Mỹ và phương Tây yểm trợ trên chiến trường, NATO lại phải đau đầu với bài toán nan giải: có nên viện trợ vũ khí cho phe chống chế độ Gaddafi hay không?

Liên quân phương Tây hiểu rõ phe đối lập ở Libya không có bất kỳ tổ chức chính trị và quân sự toàn diện nào. Pháp và Qatar (vương quốc nhỏ bé ở Bắc Phi) đã công nhận Hội đồng dân tộc lâm thời đối lập tại Benghazi - tổ chức lãnh đạo cuộc nổi dậy chống Tổng thống Gaddafi - như đại diện hợp pháp duy nhất của Libya. Nhưng liệu hội đồng này, vốn thiếu một nhân vật đủ khả năng làm lãnh đạo chính phủ tương lai, sẽ hoạt động ra sao cũng như chiến lược và mục tiêu chính trị của họ là gì vẫn là những vấn đề bỏ ngỏ.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng cộng đồng quốc tế, cụ thể là NATO, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên cung cấp vũ khí cho các đối thủ của ông Gaddafi. Hiện phương Tây biết rất ít về đội ngũ lãnh đạo cũng như mục tiêu và khả năng của phe đối lập ở Libya, do đó nỗi lo ngại của Ankara là hoàn toàn hợp lý. Nếu trang bị vũ khí cho lực lượng chống đối, phương Tây có thể tự chuốc lấy một Afghanistan thứ hai. Vẫn còn đó những kinh nghiệm đáng buồn của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí và huấn luyện kỹ năng cho các chiến binh Hồi giáo ở Afghanistan để sau đó họ bị “gậy ông đập lưng ông”. Tương tự, nếu liên quân cung cấp vũ khí cho phe chống Gaddafi, liệu một ngày nào đó họ có quay lại chống phương Tây hay không.

Phương Tây rõ ràng đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Tình hình bất phân thắng bại trên chiến trường Libya hiện nay có thể tạo ưu thế cho các phong trào vũ trang Hồi giáo cực đoan “thừa nước đục thả câu”. Có tin các phần tử Al - Qaeda đã trà trộn vào hàng ngũ lực lượng chống Tripoli. Thông tin này chưa được kiểm chứng nhưng chỉ “nghi ngờ” cũng đủ khiến phương Tây bị ám ảnh. Nếu bước đường cùng phải tính đến giải pháp cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập Libya, các nước đồng minh lo ngại viễn ảnh “giao trứng cho ác”. Không có gì đảm bảo rằng những vũ khí này sẽ không lọt vào tay kẻ thù số một là Al - Qaeda.

Chưa kể việc trang bị vũ khí cho phe chống đối Gaddafi sẽ được xem là hành động vi phạm trực tiếp Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc (Nghị quyết này cấm vận vũ khí với cả hai phe ở Libya). Chính NATO cũng khẳng định nhiệm vụ của họ là “bảo vệ người dân Libya” chứ “không phải vũ trang” cho họ. Song hoàn thành nhiệm vụ này cũng mới chỉ là bước đầu. Vấn đề lớn hơn chính là tìm kiếm giải pháp chính trị ở Libya thời hậu Gaddafi. Ở Afghanistan hay Iraq, các lực lượng nước ngoài lật đổ các chế độ không được lòng dân có thể để lại mầm mống của sự nổi dậy của một dân tộc. Và nhiều cuộc tranh giành quyền lực sẽ nổi lên khi các nhóm lợi ích khác nhau tranh giành “miếng bánh” quyền lực ở Libya sau xung đột.

Giải pháp duy nhất để tránh cơn ác mộng này tùy thuộc vào khả năng xử lý môi trường chính trị sau xung đột của phương Tây, làm sao để tránh bước vào vết xe cũ của cuộc chiến Afghanistan. Bằng không, Libya có thể trở thành một Afghanistan mới, với bạo lực đe dọa vượt ra ngoài lãnh thổ, gây bất ổn các nước láng giềng và lây lan virus khủng bố. Thậm chí Libya có nguy cơ nguy hiểm gấp nhiều lần so với Afghanistan nếu mảnh đất này trở thành một vết thương hở, gây nhiễm trùng cả châu Phi và châu âu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoàng hôn Afghanistan trên đất Libya
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO