Hoàn toàn có thể phát triển nhanh và bền vững
Trong phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 chiều 12.9, một câu hỏi được đặt ra là Việt Nam có thể phát triển vừa nhanh vừa bền vững không? Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này “nếu có thể chế tốt, giải quyết được bài toán công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực, kết nối với các nền kinh tế khu vực tốt”.
“Việt Nam đang vượt lên trong cuộc đua xanh”
Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (thông qua năm 2015), từ năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Kế hoạch hành động đưa ra là đến năm 2020, lồng ghép đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào nội dung Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh Vũ Tiến Lộc bổ sung, năm 2018, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh. Cũng trong năm này, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào tốp 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững, chỉ xếp sau Thái Lan trong ASEAN. “Như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển thì Việt Nam đang vượt lên trong cuộc đua xanh”, ông Lộc nói.
![]() | |
Hạn chế rác thải nhựa để phát triển bền vững | Nguồn: Vneconomy |
Khó bền vững nếu thiếu liên kết, tích hợp
Trong bối cảnh phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu dự hội nghị cho rằng, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, “chúng ta không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân, với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga tỏ ý băn khoăn về mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2020 - 2030 khi “có luồng ý kiến cho rằng nếu muốn phát triển bền vững thì phải chấp nhận “hy sinh” phát triển nhanh”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, giai đoạn 1991 - 2000, tốc độ tăng trưởng của nước ta là 8,43%; giai đoạn 2000 - 2010 là 7,26%; giai đoạn 2011 - 2020 ước khoảng 6,4%. Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng giảm và lo ngại giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục giảm “không phải không có lý”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam vẫn có thể đạt mức tăng trưởng nhanh hơn bởi “chúng ta còn không gian”. Doanh nghiệp kiến nghị còn rất nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Thêm vào đó, nguồn lực trong dân rất lớn. Số lượng doanh nghiệp tính theo dân số hiện nay mới bằng 60% so với trung bình ASEAN, tức là “nếu cải thiện môi trường kinh doanh chúng ta có thể đi nhanh hơn, còn có bền vững không thì doanh nghiệp cũng cần góp phần trả lời”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, nếu nhìn vào 17 chỉ tiêu phát triển bền vững có thể thấy cơ bản là làm được. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ đối tác, cùng phát triển bền vững giữa các cơ quan nhà nước, giữa Nhà nước với doanh nghiệp, hiệp hội, giữa Việt Nam và quốc tế. Nếu tăng cường mối quan hệ này thì việc phát triển nhanh hơn và bền vững hơn sẽ đạt được.
Chia sẻ với ý kiến trên, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: “Chúng ta là nước đi sau nên cần phát triển nhanh nhưng đồng thời phải bền vững”. Theo ông, mô hình phát triển hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được phát triển bền vững, như mô hình nông nghiệp của Sơn La... “Nếu chúng ta có thể chế tốt, giải quyết được bài toán công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực, kết nối với các nền kinh tế khu vực tốt, thì hoàn toàn có thể phát triển nhanh và bền vững”.
Tuy vậy, để phát triển bền vững, ông Thắng cho rằng cần có cách nhìn nhận, tiếp cận đa chiều và đặc biệt “phải có sự tích hợp”. “Chúng ta có nhiều dự án, chương trình với đồng bằng sông Cửu Long về phát triển bền vững, nhưng hiện chưa có bộ dữ liệu nào để chia sẻ giữa ngành này với ngành khác. Do đó, cần có đề án cụ thể, phải chia sẻ nếu không sẽ lãng phí nguồn lực”, ông Thắng nói.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, để phát triển bền vững, Việt Nam nên chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Thêm vào đó, chú trọng phát triển khoa học - công nghệ. Để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư (PPP) mạnh mẽ hơn.
![]() Toàn cảnh hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 |
Sớm xây dựng chính sách khuyến khích kinh tế tuần hoàn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, trong suốt quá trình Đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều kết quả quan trọng, như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng duy trì ở mức cao… Tuy vậy, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng đất nước, chênh lệch giữa các vùng miền còn lớn, ô nhiễm môi trường…
Nhìn lại thập niên qua, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã có bước tiến trong phát triển bền vững nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là phải thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp, ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững; tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; đầu tư mạnh mẽ cải thiện chất lượng nhân lực, nhất là ở vùng nghèo, vùng sâu xa; tăng cường hiệu suất, hiệu quả làm việc của mọi khu vực trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực Nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn…
Từ đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trước hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết về phát triển bền vững trong tháng 10 tới với tiêu chí, mục tiêu cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm xây dựng chính sách khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn. VCCI tiếp tục thực hiện đánh giá doanh nghiệp phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế, công bố rộng rãi trên truyền thông…
Về phía các địa phương, trong bối cảnh mới trên 30 địa phương có kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, còn khoảng 30 địa phương chưa có kế hoạch cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm về phát triển bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.