Luật - Những điểm mới

Hoãn tiền phạt cho tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn đặc biệt

- Thứ Sáu, 25/12/2020, 07:41 - Chia sẻ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Mười vừa qua, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022. Luật đã bổ sung quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên và đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Tăng tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tăng mức tiền phạt đối đa của 10 lĩnh vực, bao gồm: giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản. Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như tín ngưỡng; đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng. 

	Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh giới thiệu những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính Ảnh: Hoàng Ngọc
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh giới thiệu những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chín Ảnh: Hoàng Ngọc

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung tên gọi hoặc bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Ví dụ một số chức danh thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Quản lý thị trường, Hải quan… Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lực lượng Kiểm ngư, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Kiểm toán Nhà nước.

Luật chỉnh lý quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo đó, bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định, Luật bổ sung 8 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng nêu rõ, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về lập biên bản vi phạm hành chính theo hướng quy định nguyên tắc “phải kịp thời lập biên bản” và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Cùng với đó là tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính từ 24 giờ lên 48 giờ; sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục giải trình tại Điều 61, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Luật cũng mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt để khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh thời gian qua.

Một điểm mới quan trọng được nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm là quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Luật bổ sung quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên và đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, thay vì chỉ áp dụng hoãn tiền phạt đối với cá nhân như quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo xu hướng giảm số tiền được hoãn phạt từ 3 triệu đồng trở lên ở Luật hiện hành xuống còn 2 triệu đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo.

"Việc sửa đổi những quy định như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho không chỉ cá nhân mà cả các tổ chức thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp họ gặp khó khăn về kinh tế do những sự kiện đột xuất, bất ngờ như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn mà không phải là chính sách xã hội”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nói. 

Sẽ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cũng đã được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế. Cụ thể, Luật không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập. Không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, Trưởng phòng tư pháp cấp huyện thay vào đó, Luật quy định rõ cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ.

Điều 131, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng được sửa đổi theo hướng người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ quyết định: giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; giao cho UBND cấp xã nơi người vi phạm cư trú hoặc có hành vi vi phạm tổ chức quản lý trong trường hợp bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Nội dung về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính cũng được sửa đổi như: Quy định về các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính; thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính; biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu.

Đáng lưu ý, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nêu rõ, Luật đã bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 6 tháng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành nhằm giảm bớt thủ tục và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo. Bổ sung biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính.

Anh Thảo