Hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ ngành tư pháp
Tại phiên thảo luận tổ chiều 8/5 về dự thảo các luật trong lĩnh vực tư pháp, nhiều ĐBQH Đoàn Nghệ An nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện tổ chức bộ máy và chính sách cán bộ theo hướng đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, không gây áp lực lên cấp tỉnh và bảo đảm động lực, tính công bằng trong hệ thống tư pháp…
Cơ chế hội thẩm phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp
Góp ý tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, hiện nay, việc tổ chức và bầu hội thẩm được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND). Theo đó, hội thẩm TAND cấp tỉnh do TAND tỉnh đề xuất về số lượng, cơ cấu, thành phần; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để HĐND tỉnh bầu. Đối với hội thẩm TAND cấp huyện, quy trình tương tự được thực hiện ở cấp huyện.

Theo đại biểu Thái Thị An Chung, việc sửa đổi quy định về chỉ định, giới thiệu, bầu hội thẩm là cần thiết. Song, đại biểu bày tỏ băn khoăn về cách thức sửa đổi hiện được đề xuất trong dự thảo sửa đổi Điều 127. Theo đó, TAND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm đề xuất nhu cầu về hội thẩm cả ở cấp tỉnh và cấp khu vực, sau đó gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh lựa chọn, giới thiệu, để HĐND tỉnh bầu cả hai nhóm hội thẩm.
Đại biểu nêu ví dụ: tại tỉnh Nghệ An, hiện đang dự kiến có khoảng 10 - 11 Tòa án khu vực. Như vậy, ngoài danh sách hội thẩm cấp tỉnh, có thể còn tới 10 - 11 danh sách hội thẩm cấp khu vực, tất cả đều do tỉnh chịu trách nhiệm. Đại biểu băn khoăn: liệu danh sách hội thẩm sẽ được gộp chung hay chia thành từng danh sách riêng cho mỗi khu vực? “Nếu chia thành 12, 13 danh sách thì sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức, lựa chọn, theo dõi, giám sát. Nếu gộp chung thì lại thiếu tính đặc thù của từng địa bàn,” đại biểu Thái Thị An Chung băn khoăn.
Để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và bản chất hội thẩm nhân dân là người đại diện cho nhân dân trong tham gia xét xử tại tòa án, thể hiện tính dân chủ cũng như thực hiện việc giám sát hoạt động của các cơ quan tố tụng, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cho tòa án nhân dân khu vực phối hợp cùng với Ủy ban MTTQ các xã trong khu vực giới thiệu, trình HĐND các xã bầu ra hội thẩm.

“Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 125 của dự thảo, hội thẩm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án Tòa án. Như vậy, hội thẩm của Tòa án khu vực khi tham gia xét xử vẫn chịu sự phân công của Chánh án TAND tỉnh. Trong khi đó, dự thảo lại quy định việc lựa chọn là “giới thiệu” chứ không thông qua hình thức bầu. Việc này có thể dẫn đến quá tải cho Chánh án TAND cấp tỉnh, nhất là khi phải đảm nhiệm cả phân công nhiệm vụ và quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm”, đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Thái Thị An Chung kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế lựa chọn, giới thiệu và tổ chức hoạt động của hội thẩm nhân dân, bảo đảm đúng bản chất pháp lý, phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống chính trị và hành chính hiện hành, đồng thời khả thi, minh bạch và gắn với quyền giám sát của Nhân dân.
Cân nhắc kỹ lộ trình thay đổi cơ chế thi tuyển nâng ngạch ngành kiểm sát
Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân – một trong ba dự án luật được thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh, việc sửa đổi hết sức cần thiết và phù hợp với tiến trình xây dựng luật.

Đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo - đặc biệt là TAND tối cao đã tiến hành nghiêm túc, trách nhiệm trong thời gian ngắn nhưng bảo đảm chất lượng, đúng định hướng thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Đảng… Theo đại biểu, đây là thời điểm cần thiết để sửa đổi, bổ sung các vướng mắc trong thực tiễn. Sau hơn 10 năm tổ chức lại hệ thống các cơ quan tư pháp, đã xuất hiện nhiều bất cập về tổ chức bộ máy, danh xưng ngạch, quy trình bổ nhiệm, thi tuyển… cần được điều chỉnh đồng bộ, thống nhất. Việc phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rất quan trọng để tránh tình trạng sửa luật này nhưng lại “vênh” với luật kia, gây khó khăn khi triển khai thực hiện.
Về nội dung cụ thể trong dự thảo luật, đại biểu Trần Đức Thuận bày tỏ đồng tình với nhiều điểm trong tờ trình, nhất là đề xuất đổi tên các chức danh kiểm sát cho phù hợp với hệ thống ngạch bậc hiện hành. “Trước đây, hệ thống chức danh kiểm sát gồm: kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp, và kiểm sát viên Viện kiểm sát tối cao. Nay sửa thành: kiểm sát viên, kiểm sát viên chính, kiểm sát viên cao cấp và kiểm sát viên tối cao – như vậy là hợp lý, tương thích với cách gọi ngạch của thẩm phán và các ngạch công chức tư pháp khác”, đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn về việc bỏ thi tuyển trong quá trình nâng ngạch, nhất là từ kiểm sát viên lên kiểm sát viên chính, đại biểu Trần Đức Thuận (nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Trung ương) chia sẻ: Trước đây, từng thi nâng ngạch từ trung cấp lên cao cấp, và các kỳ thi được tổ chức rất bài bản, chặt chẽ, góp phần rèn luyện chuyên môn, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng chỉ đạo, điều hành. Việc ôn thi chính là quá trình bồi dưỡng và nâng cao năng lực thực chất cho đội ngũ cán bộ.
“Trong khi đó, dự thảo hiện nay chỉ quy định tiêu chuẩn nâng ngạch thông qua các điều kiện về thời gian công tác, năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Mặc dù quy định này không sai, nhưng nếu bỏ thi tuyển thì có nguy cơ giảm động lực phấn đấu và thiếu cơ sở đánh giá thực chất...”, đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm về việc bỏ thi tuyển để xét bổ nhiệm, nâng hạng kiểm sát viên.

Về vấn đề xếp lương, chế độ chính sách và danh xưng các chức danh tư pháp, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng: dù việc đổi tên là hợp lý nhưng vẫn cần xây dựng chính sách lương và phụ cấp tương ứng, tạo động lực phát triển đội ngũ.
Nhấn mạnh việc hoàn thiện luật tổ chức ngành kiểm sát không chỉ là điều chỉnh về mặt tổ chức, mà còn cần đồng bộ với chính sách cán bộ, tiêu chuẩn thi tuyển và chế độ thăng tiến, đại biểu đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu sâu để bảo đảm luật sau khi sửa đổi thật sự đi vào cuộc sống, tạo động lực phấn đấu thực chất cho đội ngũ cán bộ kiểm sát các cấp.