Thủ tục cần thông thoáng hơn
Theo Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong số khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này, chỉ có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, cải thiện chất lượng quản trị, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn lớn như Samsung, Toyota, LG… Tuy vậy, nhìn chung, doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về trình độ công nghệ, quy trình quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đáp ứng yêu cầu về bảo đảm tiến độ và chất lượng giao hàng khắt khe; phải chịu sự đánh giá, giám sát chặt chẽ, kiểm soát thường nhật theo các tiêu chuẩn khắt khe của các công ty đầu chuỗi, với những yêu cầu tối ưu hóa quá trình sản xuất tính theo giờ chứ không còn là tính theo ngày hay theo tuần nữa. Quan trọng nhất, các doanh nghiệp phải có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.
Bối cảnh đó đòi hỏi không chỉ nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, mà cần phải có môi trường thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thông thoáng để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), qua đó giúp họ có thể tiếp cận vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đang hoạt động ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.
Bởi lẽ, muốn đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, thời gian giao hàng, các doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ bởi các quy định pháp luật thuận lợi về nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị, về kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, các thủ tục hành chính có liên quan. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái các tổ chức hỗ trợ khác, cả ở trong khu vực công lẫn khu vực tư, như các cơ quan quy định về hệ thống chất lượng, kiểm định chất lượng, các phòng thí nghiệm, hệ thống các viện, trường, trung tâm R&D…
Hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm
Hiện nay, ứng dụng các tiêu chuẩn ESG, CSR, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành con đường tất yếu, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Sự thay đổi về quy định pháp luật cùng áp lực từ người tiêu dùng đã tạo ra các tiêu chuẩn ngày một cao hơn về sản xuất xanh, buộc các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh cải tiến quy trình xanh hóa một cách mạnh mẽ hơn. Khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, doanh nghiệp không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế, chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của EU hay Quy định Chống phá rừng của EU… Đây là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Để doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, trước tiên, các quy định về tiêu chuẩn xanh cần được xây dựng nhằm định hướng cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đổi mới cách tiếp cận về chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các biện pháp mang tính chất bao cấp, hỗ trợ, miễn, giảm đã được thực hiện quá dài phải được thu hẹp dần về quy mô hay cường độ, để bảo đảm thị trường được vận hành đúng như quy luật vốn có.
Việc thu lại dần những biện pháp hỗ trợ không có nghĩa là Nhà nước không tiếp tục có những biện pháp kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển. Thay vì các biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm, giãn, hoãn trên diện rộng, nguồn lực từ ngân sách nhà nước có thể được sử dụng để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các doanh nghiệp, tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo hoặc các doanh nghiệp, tổ chức trong hệ sinh thái của các ngành công nghiệp mới như chất bán dẫn, chip, phương tiện vận tải điện, năng lượng sạch, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo. Các chính sách hỗ trợ có tính chất trọng tâm, trọng điểm như vậy, đặc biệt là giảm bớt hình thức trợ cấp, hỗ trợ, sẽ nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân, đầu tư mạo hiểm vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thực sự cần.
Tăng tính liên kết là bài toán sống còn
Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, trong đó có quy định riêng dành cho công nghiệp hỗ trợ. Việc ban hành luật này là rất cần thiết để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển. Trong đó, luật cần có những quy định về chính sách hỗ trợ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành công nghiệp chủ chốt; phải ưu tiên phát triển theo hướng xanh; nâng cao được giá trị gia tăng ở trong nước, qua đó giảm bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giúp nâng vị thế cạnh tranh tốt hơn cho hàng hóa của Việt Nam.
Việc xây dựng các doanh nghiệp dẫn đầu theo đề cương dự thảo Luật cũng rất cần. Song, quan trọng nhất, phải có cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là có cơ chế giúp tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI thông qua chính sách về thuế, công nghệ, kỹ thuật… Tính liên kết này mang tính sống còn với doanh nghiệp, khi tạo được tính liên kết thì sẽ có tác động tức thì tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các doanh nghiệp này có dư địa lớn lên và tham gia được sâu hơn vào chuỗi cung ứng.