Hoàn thiện thể chế chính quyền cấp xã
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (Luật 2015) ra đời thay thế cho Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (Luật 2003) với mục tiêu kế thừa, phát triển và hoàn thiện thể chế, là cơ sở pháp lý quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính. Sau gần 3 năm có hiệu lực thi hành, tuy chưa có tổng kết, đánh giá khoa học, nhưng có thể thấy một số vấn đề từ thực tiễn quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã cần được quan tâm.
Từ quy định của pháp luật
Khác với Luật 2003 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND các cấp nói chung và cấp xã nói riêng theo từng lĩnh vực, Luật 2015 chỉ quy định những nhiệm vụ, quyền hạn chung, cơ bản của chính quyền địa phương các cấp theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, quy định các nhiệm vụ, quyền hạn ở từng loại hình đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; còn các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể theo từng lĩnh vực do các luật chuyên ngành điều chỉnh. Nghĩa là chính quyền các xã, phường, thị trấn phải nghiên cứu tất cả các văn bản pháp luật chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn QLNN ở địa phương mình.
Quy định như vậy là phù hợp với nguyên tắc về phân định thẩm quyền, tạo điều kiện đẩy mạnh thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Theo đó, Luật 2015 nói rõ việc phân quyền được quy định trong các Luật; việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp; việc ủy quyền phải bằng văn bản. Đây là xu hướng tất yếu cải cách nền hành chính quốc gia, hướng tới hành chính phát triển (quản lý công mới) và chế độ công vụ vị trí việc làm, với mục tiêu coi trọng kết quả sản phẩm cuối cùng mà nền hành chính mang lại, phục vụ lợi ích của nhân dân và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, các quy định của Luật 2015 quá khái quát cũng làm khó cho cấp xã, nhất là trong công tác lập và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH địa phương cấp xã.
![]() Cánh đồng chuyên canh Trà Ô Long xã Đam'Bri, Thành phố Bảo Lộc |
Đến những bất cập ở cấp xã
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chính quyền địa phương cấp xã vừa hoạt động, vừa “cảm thấy thiếu và mong ngóng” những văn bản hướng dẫn, phân cấp, ủy quyền của cấp trên theo tinh thần của Luật 2015. Khi trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương cùng cấp với nhau, cán bộ ở nhiều phường, xã, thị trấn bộc bạch rằng, căn cứ pháp lý thì HĐND hoạt động theo Luật “mới” nhưng thực chất, nội dung hoạt động vẫn còn theo nếp cũ của Luật “cũ”.
Trước đây, theo Luật 2003, các kỳ họp thường lệ của HĐND cấp xã đều phải ban hành nghị quyết để quyết định biện pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH hàng năm của địa phương. Nay theo Luật 2015, HĐND cấp tỉnh mới có quyền quyết định kế hoạch phát triển KT - XH; HĐND cấp huyện mới có quyền thông qua kế hoạch phát triển KT - XH; còn HĐND cấp xã thì trong luật không quy định thẩm quyền này. Vậy, HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp xã, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, lại không có cơ chế nào để tham gia góp ý kiến đối với kế hoạch phát triển KT - XH của chính địa phương mình hay sao?
Thực tế, tại các kỳ họp thường lệ giữa năm, cuối năm, HĐND nhiều phường, xã, thị trấn vẫn yêu cầu UBND cùng cấp báo cáo tình hình thực hiện để HĐND xem xét, ban hành nghị quyết về nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương. Với lý do, nếu không ban hành nghị quyết thì không có cơ sở để giám sát và không thể chuyển hóa đầy đủ ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân thành hành động cụ thể thông qua việc tổ chức thực hiện nghị quyết.
Cũng để tạo cơ chế giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, UBND một số tỉnh đã ban hành “Quy trình lập kế hoạch phát triển KT - XH hàng năm của cấp xã” trong đó quy định, kế hoạch phải được HĐND thông qua trước khi tổ chức công bố, thực hiện. Nhưng cũng có tỉnh không quy định như vậy. Thực trạng này đúng hay chưa đúng thẩm quyền còn phải chờ cơ quan chức năng xem xét.
Một thực tiễn “tùy nghi” nữa là, theo quy định tại Điều 33, Điều 61 và Điều 68 Luật 2015, HĐND xã, phường, thị trấn có thẩm quyền ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong các luật chuyên ngành, còn luật nào thì tùy theo ý chí, năng lực thể chế của cán bộ từng nơi. Đây cũng là việc khó cho cấp xã bởi thực tế, cấp huyện, cấp tỉnh, có nhiều cơ quan chuyên môn mà đôi lúc còn chưa cập nhật, nghiên cứu, tổ chức thực thi đầy đủ quy định của các luật chuyên ngành, huống chi cấp xã. Với quy định chung chung “tùy nghi” nói trên, nếu không có văn bản pháp luật hướng dẫn, rất có thể sẽ bị lợi dụng, tiêu cực, né tránh việc khó, làm xuất hiện “khoảng trống quyền lực” trong QLNN, vì không ai muốn “tự lấy đá ghè chân mình”.
Để không bị... “lạc lối”
Cùng với việc thực hiện mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân quyền, phân cấp, ủy quyền gắn với ràng buộc trách nhiệm, xin đề xuất một số ý kiến để tham khảo.
Một là, cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét ban hành quy chế (hoặc quy chế mẫu) về hoạt động của chính quyền địa phương hoặc về hoạt động của HĐND, nhằm thể chế hóa Luật 2015, quy định rõ hơn các mối quan hệ công tác giữa HĐND, UBND, UBMTTQ; khắc phục tình trạng các địa phương tự ban hành quy chế riêng, mỗi nơi mỗi cách như hiện nay, vừa có tính quy phạm thấp vừa thiếu tính khoa học, thống nhất.
Hai là, thực hiện chức năng QLNN, tất yếu hàng năm UBND cấp xã phải lập kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương và các chương trình, kế hoạch chuyên ngành khác theo yêu cầu nhiệm vụ được cấp trên giao và theo trình tự thủ tục pháp luật quy định. Vì vậy, cần phải có cơ chế để HĐND cấp xã giám sát trách nhiệm, kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực này, nhằm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn đã được quy định tại Khoản 5, các Điều 31, Điều 59 và Điều 67, Luật 2015.
Ba là, việc rà soát, tập hợp, sắp xếp, hệ thống hóa các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành (đang còn hiệu lực) theo chủ đề và thẩm quyền cấp xã (như một phần của bộ pháp điển) là một giải pháp nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thiện mô hình tổ chức, xác định rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh của bộ máy chính quyền cấp xã. Trong điều kiện tổ chức, năng lực cán bộ còn hạn chế, khó để cấp xã tiếp cận, nghiên cứu, tổ chức thực hiện; thì đây là giải pháp giúp chính quyền cơ sở không bị “lạc lối” trong “khu rừng văn bản” khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.