Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm

- Thứ Hai, 25/10/2021, 06:37 - Chia sẻ
Hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai này đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đồng bộ hơn với Bộ luật Dân sự. Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Kinh tế chỉ ra một số quy định chưa thống nhất, chưa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
	Người mua bảo hiểm hầu như không thay đổi được hợp đồng
Người mua bảo hiểm hầu như không thay đổi được hợp đồng

Nên để các bên tự thỏa thuận về hợp đồng?

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ chương Hợp đồng bảo hiểm, tạo cơ sở thống nhất trong việc áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm để điều chỉnh các quan hệ trong hợp đồng bảo hiểm. Khoản 2 Điều 4 Bộ luật Dân sự quy định “luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”. Tuy nhiên, để việc áp dụng pháp luật chuyên ngành bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật chung, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định về hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể là sửa đổi các quy định về đình chỉ thực hiện hợp đồng, hợp đồng vô hiệu, chấm dứt hợp đồng, hủy hợp đồng, thời hiệu khởi kiện theo hướng thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự.

Do vậy, tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai này đã chuẩn hóa chế định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng phân loại rõ ràng các loại hợp đồng bảo hiểm; làm rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm trách nhiệm. Đồng thời, minh bạch trong các thông tin cung cấp; công bằng về quyền và nghĩa vụ khác đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm; trách nhiệm trong trường hợp tái bảo hiểm... Dự thảo cũng thể hiện theo hướng tôn trọng quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm (bổ sung các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, quyền thỏa thuận để xây dựng hợp đồng bảo hiểm kết hợp; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ...).

Để hạn chế tổn thất, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm khi xảy ra tổn thất; về đề phòng, hạn chế tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm. Để phòng, chống gian lận bảo hiểm, dự thảo Luật bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xây dựng quy trình khai thác, thẩm định, bồi thường để xác định, đánh giá đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về người được bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, hồ sơ, tài liệu có liên quan trước khi có quyết định bảo hiểm, chi trả tiền/bồi thường bảo hiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm về bản chất là một hợp đồng gia nhập (hợp đồng theo mẫu). Doanh nghiệp bảo hiểm là bên đưa ra các điều khoản mẫu để khách hàng xem xét và trả lời chấp nhận trong một khoảng thời gian hợp lý. Nếu khách hàng đồng ý tham gia bảo hiểm, đồng nghĩa với việc chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo điều khoản mẫu mà doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa ra.

Như vậy, người mua bảo hiểm hiện không được đàm phán, thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung điều khoản của hợp đồng bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Trong khi đó, theo Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg, nhóm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ không còn thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, dù đã sửa đổi quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật theo hướng để các bên tự thoả thuận xây dựng hợp đồng sẽ cải thiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Nhưng, khi Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, cần bổ sung vào Điều 14, dự thảo Luật một khoản về nội dung của hợp đồng bảo hiểm để yêu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm tai nạn, sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn nội dung hợp đồng về điều khoản sản phẩm và biểu phí trước khi triển khai.

Còn thiếu thống nhất

Cùng với băn khoăn về việc để các bên tự thỏa thuận hợp đồng bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng (người mua bảo hiểm), khi thẩm tra về dự án Luật này, thành viên Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ một số quy định trong dự thảo luật chưa thống nhất với nhau, cũng như chưa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể, về hình thức hợp đồng bảo hiểm, tại Điều 15, Khoản 1 quy định “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản”, đồng thời khoản 2 quy định “Hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng... các hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật”. Trong khi đó, Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự quy định “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Như vậy, quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 15 chưa có sự thống nhất.

Về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, Khoản 2 Điều 16 quy định “… doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Quy định “phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận...” là chưa hợp lý, không khả thi và gây khó cho cả doanh nghiệp và bên mua bảo hiểm, đặc biệt đối với các hình thức bán bảo hiểm qua phương tiện điện tử hoặc các sản phẩm bảo hiểm đơn giản (như bảo hiểm tai nạn, sức khỏe, du lịch, xe máy...). Ngoài ra, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, nghĩa vụ của các bên về nội dung này cũng đã được quy định rõ tại điểm b khoản 2 Điều 17 và điểm b Khoản 2 Điều 18 .

 Về đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, Điều 23 và Khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận, thời hạn gia hạn đóng phí. Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Trong khi đó, Khoản 3 Điều 428 Bộ luật Dân sự quy định “Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”. Do có sự khác biệt với quy định của Bộ luật Dân sự, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị, Cơ quan soạn thảo làm rõ căn cứ, lý do của việc phân biệt hậu quả pháp lý giữa các quy định nêu trên.

Hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng tại dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người mua bảo hiểm. Nhưng với thực tế doanh nghiệp bảo hiểm đang ở thế chủ động trong đàm phán, thoả thuận và ký kết hợp đồng hiện nay, thì sẽ phải cân nhắc quy định cho các bên tự thoả thuận hợp đồng, cũng như rà soát kỹ các quy định về nội dung này, bảo đảm thống nhất giữa các điều khoản trong dự thảo Luật với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật liên quan. Bởi trong trường hợp có quy định khác nhau giữa luật và bộ luật, phần nhiều thiệt thòi sẽ là khách hàng mua bảo hiểm.

Trong tuần làm việc này, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến về dự án Luật này.

Thanh Hải