Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ 2016 - 2021

Hoàn thiện pháp lý về quyền con người, tổ chức bộ máy

- Thứ Hai, 12/04/2021, 15:00 - Chia sẻ
Ủy ban Pháp luật có lẽ là một trong những "công xưởng" bận rộn nhất của Quốc hội. Bởi chỉ trong nhiệm kỳ này, Ủy ban đã được giao chủ trì thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý 13 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, 8 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa kể các dự thảo nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và điều chỉnh chương trình hàng năm, dự thảo Nghị quyết về sắp xếp, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Trung bình mỗi kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật chịu trách nhiệm chủ trì từ 3 - 5 dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách.

Khách quan, toàn diện, phản biện cao

Ủy ban Pháp luật Khóa XIV được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là đã có một nhiệm kỳ nhiều đổi mới và thành công. Đây là nhiệm kỳ Ủy ban đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn trên tất cả lĩnh vực hoạt động từ xây dựng pháp luật đến giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, nhiều nội dung quan trọng, tác động sâu sắc, toàn diện đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội, của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước và của chính quyền địa phương, góp phần bảo đảm tốt hơn việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Hồ Long

Trong hoạt động lập pháp, Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 8 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa kể các dự thảo nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và điều chỉnh chương trình hàng năm, dự thảo nghị quyết về sắp xếp, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Trung bình mỗi kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật chịu trách nhiệm chủ trì từ 3 - 5 dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách.   

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì thẩm tra, trên cơ sở chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, Ủy ban đã xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể cho từng giai đoạn, phân công từng nhóm công tác, từng đồng chí trong Thường trực Ủy ban theo dõi, bám sát tiến độ chuẩn bị và nội dung của các dự án. Với mỗi dự án, Thường trực Ủy ban đều tổ chức nghiên cứu, làm việc trước với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan và có báo cáo nghiên cứu trình Ủy ban để làm cơ sở cho việc thảo luận, thẩm tra tại các phiên họp toàn thể.

Ngoài ra, đối với một số dự án luật quan trọng, còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban đã tổ chức khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm chuyên gia để tập hợp thêm thông tin, tư liệu phục vụ việc thẩm tra cũng như quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản sau này. Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu đã được Thường trực Ủy ban chuẩn bị kỹ lưỡng, tại phiên họp thẩm tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc, đa chiều cả về lý luận và từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật luôn được các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, tính khách quan, toàn diện, có tính phản biện cao và đặc biệt là luôn có sự đánh giá, phân tích kỹ về sự phù hợp với chủ trương của Đảng, về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngay sau khi dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu các báo cáo liên quan, ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau đều được đưa ra thảo luận trong tập thể Thường trực Ủy ban với sự tham dự của các cơ quan có liên quan và được báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với sự kỹ lưỡng trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có nhiều kiến nghị, đề xuất hợp lý, xác đáng được thể hiện vào dự thảo luật, dự thảo nghị quyết và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, thông qua. Qua đó, vai trò của Ủy ban Pháp luật trong việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực về tổ chức bộ máy nhà nước, hành chính, cán bộ, công chức, dân sự, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ngày càng được khẳng định và có nhiều đóng góp quan trọng.

Hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp 

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng nữa của Ủy ban Pháp luật là phối hợp thẩm tra, rà soát kỹ thuật lập pháp trước và sau khi các dự thảo luật được thông qua nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Trong đó, có những đạo luật lớn như Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Bảo vệ môi trường... có dung lượng trên 100 trang A4, đòi hỏi phải rà soát cẩn trọng và chỉnh lý trong nhiều ngày mới hoàn thành. “Có thể nói, đây là nhiệm vụ thường xuyên và áp lực lớn nhất đối với Thường trực Ủy ban và đơn vị giúp việc, khiến việc làm thêm ngoài giờ để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội trong mỗi kỳ họp là khá phổ biến”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định. 

Tuy nhiên, với sự phân công công việc hợp lý trong Thường trực Ủy ban và Vụ Pháp luật, cũng như sự tận tâm, tận lực của mỗi cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ, Ủy ban Pháp luật đã hoàn thành tốt công tác này. Các báo cáo tham gia thẩm tra, tham gia chỉnh lý của Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đều bám sát quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, tập trung vào tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được xem xét.

Một thành tựu nổi bật của Ủy ban Pháp luật trong nhiệm kỳ Khóa XIV là thẩm tra và phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đây là một nhiệm vụ khó, vì theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng đầu mối tổ chức bộ máy giảm, đồng nghĩa với giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo quản lý và số người làm việc hành chính, một số chức danh đang là cán bộ xã, phường, thị trấn thì phải chuyển thành người hoạt động không chuyên trách trong khi bản thân số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng phải giảm... Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan chức năng, thời gian qua đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.041 đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn này đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ ấn tượng khi với sự tham mưu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Vụ Pháp luật, có những việc trước đây phải làm trong 3 tháng, vì khi sáp nhập các huyện với nhau phải sáp nhập Tòa án Nhân dân cùng cấp, phải chờ Tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, thì nay đã rút ngắn thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định rất lớn (chỉ trong 2 - 3 ngày).

Để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn được giao, ghi dấu ấn vào thành công chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sự đoàn kết, nỗ lực, trách nhiệm cao của mỗi thành viên Ủy ban, Thường trực Ủy ban và Vụ Pháp luật. Ủy ban Pháp luật cũng đã tích cực đổi mới, cải tiến phương thức, hoàn thiện quy trình làm việc để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, kịp thời thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu của tình hình.

Trong đó, một số sáng kiến, đề xuất của Thường trực Ủy ban đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, góp phần cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội như ban hành nghị quyết chung tại mỗi kỳ họp Quốc hội, việc xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề, việc tổ chức công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật… Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, đây thực sự là những cải tiến có tính thay đổi lớn, đem lại hiệu quả thiết thực, lâu dài không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho cả các nhiệm kỳ về sau.

Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Pháp luật được giao chủ trì giúp Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai nội dung giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” - một nội dung giám sát phức tạp, quan trọng, phải xử lý khối lượng thông tin rất lớn. Ủy ban Pháp luật cũng đã tổ chức Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô; tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên, liên tục từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay, nhất là việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với toàn bộ 24 luật đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua, cũng như 10 luật được Quốc hội Khóa XIV thông qua do Ủy ban chủ trì thẩm tra; tổ chức 3 phiên giải trình về những vấn đề liên quan đến những vướng mắc, bất cập về áp dụng pháp luật và đang gây bức xúc trong xã hội...

 

Thanh Hải