Hoàn thiện pháp luật về uỷ quyền lập pháp, lập quy

- Thứ Tư, 07/04/2021, 15:04 - Chia sẻ
Ngày 7.4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức hội thảo Thực trang, quan điểm và giải pháp đổi mới hoạt động uỷ quyền lập pháp của QH và hoạt động lập quy theo uỷ quyền lập pháp của Chính phủ. Đây là hoạt động trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ “Uỷ quyền lập pháp và hoạt động lập quy của Chính phủ nước ta hiện nay – Thực trạng và giải pháp do GS. TS Trần Ngọc Đường làm chủ nhiệm.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS. TS Trần Ngọc Đường cho rằng, từ việc đánh giá đúng thực trạng uỷ quyền lập pháp của QH và lập quy theo ủy quyền lập pháp của Chính phủ ở 2 phương diện những quy định của pháp luật và việc tổ chức triển khai các quy định này trên thực tế; sẽ đưa ra được các giải pháp hoàn thiện thể chế uỷ quyền lập pháp, lập quy. 

Toàn cảnh hội thảo

Thực tế cho thấy, trong nhiều luật, pháp lệnh việc uy quyền ban hành văn bản chi tiết một cách chung chung, không giới hạn phạm vi, chẳng hạn quy định “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước”. Mặt khác, chính ngay trong các đạo luật cũng lẫn lộn, không phân biệt giữa “quy định chi tiết” và “hướng dẫn thi hành”.

Phát biểu tại hội thảo, Hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPCP Nguyễn Phước Thọ cho rằng, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và 2015, không chỉ Chính phủ mà còn cả Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, HĐND và UBND cấp tỉnh cũng có thể được uỷ quyền ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Điều này là chưa tuân thủ nguyên tắc về trật tự pháp quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Và trên thực tế, nó góp phần tạo ra sự khập khễnh, không đồng bộ, khó kiểm soát trong hoạt động ban hành văn bản.

Từ thực tiễn hoạt động uỷ quyền lập pháp của QH, uỷ quyền lập quy của Chính phủ, nhiều đại biểu đã cho rằng: tăng cường năng lực lập pháp của QH; mở rộng thêm các trường hợp không được uỷ quyền lập pháp; quy định rõ hơn tiêu chí uỷ quyền lập pháp; quy định rõ mục đích, nội dung, phạm vi, thời gian uỷ quyền lập pháp, chủ thể uỷ quyền lập pháp và nguyên tắc thực hiện việc uỷ quyền lập pháp… Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp TS Nguyễn Văn Cường cho rằng, tăng cường năng lực lập pháp của QH để QH có thể thực hiện hoạt động lập pháp với năng suất xây dựng và ban hành các đạo luật nhiều hơn nữa. Điều này sẽ giảm áp lực uỷ quyền lập pháp. Để làm được điều này, việc QH quan tâm tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, giảm ĐBQH kiêm nhiệm, nhất là người đang trực tiếp tham gia bộ máy hành pháp cùng với sự đầu nguồn lực cần thiết để các ĐBQH có điều kiện thuận lợi hơn nữ trong việc thực thi chức trách lập pháp của mình là xu hướng phù hợp.

Phạm Hải