Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp

- Thứ Tư, 28/04/2021, 06:33 - Chia sẻ
Để giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, các quốc gia thường tìm kiếm sự hỗ trợ giúp đỡ từ các quốc gia nước ngoài bằng hình thức tương trợ tư pháp hình sự thông qua yêu cầu tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tương trợ tư pháp về hình sự ở nước ta còn gặp không ít vướng mắc.

Với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài nói riêng có xu hướng gia tăng rõ nét và diễn biến phức tạp. Chính vì thế, ngày càng có nhiều vụ án hình sự phát sinh hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự dẫn đến nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực này tiếp tục được mở rộng, tăng về số lượng, phức tạp hơn về hình thức thực hiện. Chỉ riêng lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, nếu trong năm 2008 Việt Nam chỉ có 1 yêu cầu, thì năm 2020 đã gửi hơn 400 yêu cầu đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện.

Hiện, trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 là văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh các quan hệ về tương trợ tư pháp. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã ký 10 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài, trong đó có 3 hiệp định được đàm phán, ký trên cơ sở tách khỏi các Hiệp định tương trợ tư pháp đa lĩnh vực ký kết ở các thời kỳ trước. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Đơn cử, quá trình tương trợ tư pháp hình sự thường mất khá nhiều thời gian trong khi việc giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự phải tuân thủ thời hạn luật định. Việc chậm có kết quả tương trợ, kết quả tương trợ chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc thậm chí không có kết quả tương trợ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự.

Bên cạnh đó, việc thực hiện một số yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như triệu tập người làm chứng, người giám định; cho phép người tiến hành tố tụng sang nước được yêu cầu để tham gia vào quá trình thực hiện tương trợ tư pháp; thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử… Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền cũng như cơ chế phối hợp của những cơ quan có liên quan trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự chưa được xác định rõ.

Hơn thế nữa, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 điều chỉnh tương trợ tư pháp hình sự, dân sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài, trong khi đó những lĩnh vực do Luật Tương trợ tư pháp điều chỉnh đều mang tính chuyên ngành cao, có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện khác nhau nhưng lại quy định trong cùng một văn bản là chưa hợp lý. Đơn cử, về nguyên tắc hợp tác, đối với tương trợ tư pháp về hình sự là nguyên tắc tối đa; trong chuyển giao người chấp hành hình phạt tù là nguyên tắc nhân đạo, chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người bị yêu cầu chuyển giao; trong dẫn độ cần bảo đảm tuân thủ chặt chẽ về quyền tài phán.

Chính vì lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự là cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp về hình sự giúp giải quyết tốt các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, đấu tranh hiệu quả với các loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường hài hòa và giảm bớt xung đột pháp luật Việt Nam với nước ngoài, bảo đảm nội luật hóa, phù hợp với các điều ước quốc tế.

Nguyễn Ngân