Nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận lẫn nhau giữa các nền kinh tế lớn có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhất là khi các nguồn dự trữ tài chính, lương thực, vật tư chiến lược, năng lượng của nhiều quốc gia đang dần cạn kiệt. Nhiều chuyên gia đã nhận định, thế giới khó trở lại trạng thái như từ năm 2022 trở về trước.
Tất cả các yếu tố đó đang tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế nước ta vốn đã và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nhất là do yếu tố giảm tổng cầu trên thị trường thế giới, hàng tiêu dùng, chi phí nguyên liệu tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, các yêu cầu mới về sản xuất xanh, sạch, bền vững theo tiêu chuẩn của các nước phát triển... Từ đó dẫn đến đơn đặt hàng từ nước ngoài đột ngột giảm sâu so cùng kỳ đối với hấu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo…, dẫn đến dư thừa công suất, năng lực sản xuất và dư thừa hàng hóa với làn sóng lao động thiếu hay mất việc làm, giảm hay mất thu nhập, trở thành gánh nặng cho an sinh xã hội.
Thêm vào đó là những bất ổn nội tại của kinh tế trong nước với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng tăng cao, một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, đầu tư công giải ngân chậm, loạt dự án năng lượng tái tạo chậm đưa vào hoạt động, không thể phát huy hiệu quả… Tất cả đều có thể dẫn tới những đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp và đe dọa sự ổn định của nền kinh tế.
Quốc hội đã quyết liệt ban hành nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật mới, Chính phủ đã khẩn trương, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành để cố gắng đưa nền kinh tế thích ứng với những tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, vượt qua những khó khăn bên trong với các gói kích cầu đầu tư, kích thích tiêu dùng, giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy đầu tư công, chi tiêu công, khẩn trương đưa nhiều công trình dự án giao thông, năng lượng quan trọng vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư…
Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này, hoàn thiện thể chế càng trở nên cấp bách, nhất là các quy định của pháp luật liên quan tới chuyển đổi số quốc gia, tăng trưởng xanh. Thực tế là sự phát triển của công nghệ mới đang mở ra những cơ hội chưa bao giờ có cho sự bứt phá trong phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong hoạt động quản lý nhà nước về nhiều lĩnh vực kinh tế kỹ thuật như tài chính, ngân hàng, giao thông, đô thị hay nhà máy thông minh… Tuy nhiên, nếu không có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, hay chí ít cũng phải là những quy định theo cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát sandbox thì chuyển đổi số quốc gia cũng vẫn chỉ nằm trên giấy.
Véc-tơ tăng trưởng sẽ trở lại nếu chúng ta huy động được tối đa các nguồn lực trong nước, từ tài chính, công nghệ, con người… để giải quyết các bài toán hóc búa đó. Các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước phải gần với dân, gần với doanh nghiệp, gần với thực tiễn vận động của thị trường hơn nữa để dũng cảm nhìn nhận, phát hiện vấn đề và mạnh dạn tìm các giải pháp hợp lý, tối ưu để giải quyết bằng được những vấn đề đó.
Có như vậy, cán bộ công chức mới mạnh dạn thực thi công vụ. Có như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã hội mới bùng nổ trở lại được. Ngân sách đầu tư công sẽ không phải chờ công trình, dự án. Chi tiêu của Chính phủ sẽ không bị ách tắc ở các thủ tục đấu thầu. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài lại được khơi thông; nguồn lực tài chính của xã hội sẽ được rót vào sản xuất, kinh doanh thay vì đầu cơ nhà đất, vàng miếng, ngoại tệ hay chảy ra nước ngoài vào các chương trình đầu tư định cư…
Sự cần cù, sáng tạo, nỗ lực sản xuất, kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng với các cơ chế, chính sách, pháp luật kinh tế tốt, có hiệu lực, hiệu quả nhất luôn là nền tảng quan trọng để đất nước phát triển, tiến về phía trước. Xét cho cùng, theo K. Marx, pháp luật là một trong các yếu tố của kiến trúc thượng tầng, được sinh ra và quy định bởi cơ sở hạ tầng.
Pháp luật càng công khai, minh bạch sẽ giảm thiểu chi phí xã hội cho sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, cử tri thật sự mong chờ vào kết quả tích cực của Kỳ họp thứ Năm tới của Quốc hội Khóa XV với một chương trình nghị sự dày đặc các dự án luật quan trọng đối với nền kinh tế và xem xét, thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.