Hoàn thiện pháp luật về bầu cử
Bài 1: Bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử

Trần Văn Tám
Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, VPQH
17/11/2015 08:04

Ngay từ khi chuẩn bị tổ chức Tổng tuyển cử năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử…”.

Hoàn thiện pháp luật về bầu cử<br>Bài 1: Bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử ảnh 1Thống nhất và xuyên suốt

Trên cơ sở Sắc lệnh số 14 và số 51, 10 tháng sau, những quy định về quyền bầu cử, ứng cử, thể lệ, nguyên tắc bầu cử đã được tiếp tục khẳng định tại Điều 18 của Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được QH thông qua ngày 9.11.1946: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất quyền công dân. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi và phải biết đọc biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Quy định này tiếp tục được phát triển, hoàn thiện trong các Hiến pháp và văn bản pháp luật về bầu cử sau này. Điều 23 Hiến pháp 1959 quy định: “Công dân không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử, trừ những người mất trí và những người bị tòa án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử và ứng cử”.

Ở Điều 57 Hiến pháp 1980, Điều 54 Hiến pháp 1992 cũng quy định tương tự: “Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào QH và HĐND các cấp theo quy định của pháp luật”. Điều 27 Hiến pháp 2013 quy định ngắn gọn hơn: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH và HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung các bản Hiến pháp, luật về bầu cử cũng đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa đầy đủ hơn. Cho đến nay, chúng ta đã có 6 luật về bầu cử ĐBQH, 6 luật về bầu cử đại biểu HĐND. Luật sau lại có đổi mới, tiến bộ hơn luật trước, quy định cụ thể hơn, thể hiện tính dân chủ hơn trong quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành bầu cử, trong đó có quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của mình.

Điểm qua các quy định liên quan đến quyền bầu cử, ứng cử của công dân cho thấy, các luật về bầu cử trước đây cũng như Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND (năm 2015), tuy cách thể hiện câu chữ dài, ngắn có khác nhau, nhưng đều khẳng định thống nhất và xuyên suốt: Mọi công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH (đại biểu HĐND) theo quy định của pháp luật.

Nhân dân Hà Nội đi bỏ phiếu bầu ĐBQH ngày 6.1.1946
Nhân dân Hà Nội đi bỏ phiếu bầu ĐBQH ngày 6.1.1946

Kế thừa và hoàn thiện

Tuy nhiên, quyền tự do ứng cử của công dân thì ở mỗi thời kỳ lại có những quy định khác nhau. Tại Sắc lệnh 51 ghi: “Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy…”. Quy định này tiếp tục được xác định trong Hiến pháp năm 1946, nhưng đến Luật Bầu cử ĐBQH năm 1959, tại Điều 24 mặc dù có quy định quyền ứng cử của công dân, nhưng không rõ quyền tự do ứng cử như ở Sắc lệnh 51, mà theo hướng người ứng cử thông qua sự giới thiệu của tổ chức, đoàn thể là chính: “Ở mỗi đơn vị bầu cử, các chính đảng, các đoàn thể nhân dân có thể riêng biệt hoặc liên hiệp với nhau mà giới thiệu người ra ứng cử. Cá nhân có quyền tự ra ứng cử”. Đến Luật Bầu cử ĐBQH năm 1980, không còn quy định quyền tự do ứng cử của công dân.

Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát huy rộng rãi quyền dân chủ của công dân, năm 1989, quyền tự do ứng cử của công dân mới được quy định trở lại. Tại Nghị quyết của Quốc hội Khóa VIII, thông qua ngày 30.6.1989, sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1980, trong đó có quy định việc công dân có quyền tự ứng cử. Đây là sự kế thừa và tiếp tục tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1946.

Trên cơ sở quy định của pháp luật về quyền ứng cử của công dân, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể việc thực hiện quyền ứng cử, trong đó có Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử… Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử bảo đảm thực hiện quyền ứng cử của công dân thông qua hai hình thức: người ứng cử do cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập thể đề cử, giới thiệu và công dân tự ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND nếu thấy có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Trong các cuộc bầu cử vừa qua, thực hiện quy định này, nhiều công dân Việt Nam tự ứng cử đã trúng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Khóa I đến nay, chúng ta đã tổ chức thành công 13 cuộc bầu cử ĐBQH và hàng chục cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Các quy định của pháp luật về bầu cử nói chung đã ngày càng hoàn thiện, trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những quy định mới từ thực tiễn đặt ra. Công dân Việt Nam được bảo đảm thực hiện và thực tế đã thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử của mình, không hạn chế đối với bất kỳ công dân nào, không có sự phân biệt về tài sản, giới tính, học vấn…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoàn thiện pháp luật về bầu cử<br>Bài 1: Bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO