Tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp

Hoàn thiện pháp luật về bầu cử

- Thứ Bảy, 17/07/2021, 05:40 - Chia sẻ
Cùng với những thành công rất tốt đẹp trên rất nhiều phương diện, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức sáng 15.7, các đại biểu đã thẳng thắn phân tích, đánh giá những hạn chế phát sinh trong điều kiện có rất nhiều công việc lần đầu tiên phải triển khai để thích ứng với tình hình dịch Covid - 19. Từ đây, cũng gợi mở nhiều vấn đề cụ thể có thể tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để pháp luật về bầu cử và công tác bầu cử ngày càng hoàn thiện hơn nữa.
Cán bộ chiến sĩ chốt biên phòng kiểm soát dịch Covid-19 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước bỏ phiếu ngay tại chốt ngày 23.5.2021

Sai sót cá biệt

Trên cơ sở tổng kết công tác tổ chức bầu cử trong cả nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết còn có một số hạn chế trong tổ chức bầu cử như: công tác rà soát danh sách cử tri, nắm số lượng cử tri thường trú và tạm trú trên địa bàn ở một số đơn vị hành chính cấp xã còn chậm và gặp khó khăn do số lượng cử tri tạm trú thường xuyên biến động. Việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng, nhất là cử tri được cách ly y tế tập trung tại đơn vị hành chính cấp xã mình cư trú…

Phân tích sâu hơn vào nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, chủ yếu là do tình hình dịch Covid - 19 bùng phát trở lại vào đúng thời điểm cận kề Ngày bầu cử với diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Từ thực tế tại Hà Nội - một trong những địa phương có số lượng đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, số khu vực bỏ phiếu lớn nhất cả nước, số lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội và ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp cũng vô cùng lớn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, khối lượng công việc rất lớn, thời gian các bước còn ngắn và áp lực lớn do diễn biến của đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bầu cử, nhất là trong tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử và tổ chức bỏ phiếu tại các khu vực bị cách ly.

Dịch bệnh Covid - 19 liên tục diễn biến phức tạp đã làm phát sinh một số tình huống không có trong luật, các văn bản hướng dẫn của Trung ương nên địa phương cũng có những lúng túng nhất định. Việc thống kê, rà soát, lập danh sách cử tri có nhiều biến động, khó khăn do nhiều cử tri đi làm ăn xa hoặc có người di cư từ nơi khác đến. Đơn cử như tại Đồng Nai, nằm ở khu vực kinh tế trọng điểm phía nam với tổng dân số khoảng 3,2 triệu người sinh sống tại 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 170 đơn vị hành chính cấp xã; toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp nên số lượng người dân nhập cư rất lớn. Công tác rà soát lập danh sách cử tri, xác định đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt là cử tri đã tạm trú đến 12 tháng làm việc tại các khu công nghiệp thường xuyên biến động, không ổn định từ thời điểm triển khai lập danh sách cử tri, niêm yết cho đến ngày bầu cử 23.5.2021 hay cử tri là đối tượng cách ly tập trung ở các tỉnh khác đến Đồng Nai có nguyện vọng được bầu cử (công tác triển khai, phối hợp, điều trị trong khu cách ly...) đã làm tăng đột biến số lượng cử tri trong một thời gian ngắn.

Thấu hiểu và chia sẻ với áp lực của các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ “việc tổ chức bầu cử với yêu cầu bảo đảm nghiêm ngặt về an toàn, đúng pháp luật trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ, tạo áp lực, thách thức rất lớn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và những người trực tiếp làm công tác bầu cử ở địa phương”.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử cũng còn một số hạn chế, sai sót nằm ngoài nguyên nhân do Covid - 19 như: một số nơi chưa thực hiện tốt công tác giới thiệu người ứng cử nên chưa bảo đảm dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND; một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định; cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, vẫn có nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã. Hay một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu; sai sót trong in ấn tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên, danh sách chính thức người ứng cử không sắp xếp đúng thứ tự; phiếu bầu in sai tên đệm của một số ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã. Còn một số ít đơn vị hành chính cấp xã chưa bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu, phải tổ chức bầu cử thêm; còn 5 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phải tổ chức bầu cử lại...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho rằng, những sai sót này chỉ là cá biệt và quan trọng nhất, “đều đã được các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật”.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Thực tiễn sinh động chưa từng có tiền lệ của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đem lại rất nhiều kinh nghiệm tốt, bài học hay cần được nghiên cứu, bổ sung quy định để thực hiện trong các cuộc bầu cử tới như thành lập mới, duy trì hoặc giải thể khu vực bỏ phiếu do số lượng cử tri có biến động; việc phân luồng, điều tiết để cử tri đi bầu cử theo giờ; việc tổ chức bầu cử sớm ở một số địa bàn khó khăn…; và những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo có thể áp dụng ngay trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tới đây như việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kết hợp đa dạng các hình thức trực tiếp, trực tuyến, phát thanh, các nền tảng công nghệ để giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với cử tri.

Ở góc độ khác, từ những hạn chế đã được chỉ ra ở trên, các địa phương cũng đưa ra nhiều đề xuất cụ thể như: cần quy định rõ quyền bầu cử của cử tri đối với trường hợp các cử tri đã được lập danh sách nhưng do dịch bệnh hoặc lý do khác phải di chuyển sang khu vực bỏ phiếu khác trong cùng đơn vị cấp xã (được bầu cấp xã), sang đơn vị hành chính cấp xã khác trong cùng đơn vị hành chính cấp huyện (được bầu cấp huyện). Những khu vực bỏ phiếu đã có 100% cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu được phép kết thúc thời gian bỏ phiếu sớm để mở hòm phiếu kiểm phiếu kết quả bầu cử.

Hay Ủy ban Bầu cử TP Đà Nẵng đề xuất, từ cuộc bầu cử nhiệm kỳ sau, cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng số trong việc lập, rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri, xác nhận cử tri đi bầu, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu một cách phù hợp… nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, chính xác, tiện dụng và an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai phức tạp có thể xảy ra.

Có thể nói rằng, những đề xuất này đã được chắt lọc từ "thực tiễn đặc biệt" của cuộc bầu cử lần này. Vì thế, đây cũng là những gợi mở có thể tiếp tục nghiên cứu để ngày càng hoàn thiện hơn nữa pháp luật về bầu cử và tổ chức bầu cử trong thời gian tới.

Hải Lam