Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số
Sáng nay, 16/5, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”. Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT và DL) - Hội Truyền thông số Việt Nam chỉ đạo, giao cho Cục Báo chí và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức.
Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy; Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng; Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm; Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự…
Thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành. Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương mong muốn, hội thảo sẽ nhận được sự đóng góp ý kiến của các quý vị đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào ba nội dung lớn:
Thứ nhất, trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn các cơ quan báo chí, việc xây dựng mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông như thế nào để phát huy hiệu quả và phát triển bền vững? Phát triển mô hình tổ hợp báo chí, kinh nghiệm quốc tế.
Thứ hai, vấn đề liên kết trong hoạt động của cơ quan báo chí như thế nào để phát huy được nguồn lực của xã hội nhằm phát triển cơ quan báo chí?
Thứ ba, báo chí đang phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt với mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới về tốc độ và mức độ lan tỏa thông tin. Các quy định pháp luật cần được hoàn thiện theo phương hướng nào để cơ quan báo chí có thể cạnh tranh thông tin, định hướng, dẫn dắt thông tin trên không gian mạng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia góp ý cho từng điều luật cụ thể trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhằm hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên mới.
Khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí
Theo Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, quá trình xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã bám sát ý kiến chỉ đạo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể hóa 4 chính sách bao gồm: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí (gồm 7 vấn đề); nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí (gồm 5 vấn đề); thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí (gồm 4 vấn đề); điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
“Dự thảo luật lần này bổ sung nhiều quy định quan trọng, trong đó điểm nhấn là nguyên tắc quản lý báo chí chặt chẽ, minh bạch và phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương. Dự kiến có 30 nội dung giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết. Đồng thời, sửa đổi và bổ sung hệ thống khái niệm, nhằm phân biệt rõ ràng giữa các loại hình báo chí, khắc phục tình trạng “báo hoá” tạp chí - một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua”, ông Phúc cho biết.

Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện. Theo đó, các tổ hợp báo chí được phép có nhiều cơ quan trực thuộc, hoạt động theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp, được thành lập hoặc góp vốn tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc chặt chẽ trong hoạt động báo chí trên không gian mạng. “Các kênh nội dung của báo chí trên mạng xã hội, ứng dụng Internet bắt buộc phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý. Nội dung phát hành phải tuân thủ pháp luật báo chí, an ninh mạng và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, ông Phúc nhấn mạnh.

Trao đổi ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình khẳng định, việc hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là những bổ sung cơ bản, hình thành không gian, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển, giúp người làm báo có thể yên tâm làm nghề trong những năm tới. Trong dự thảo mới có một số nội dung đáng chú ý cần được tiếp thu các ý kiến đóng góp, gồm câu chuyện kinh tế báo chí, chuyển đổi số như thế nào và thứ ba là câu chuyện tổ hợp truyền thông.