Thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14

Hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em trong dịch Covid -19

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 10:30 - Chia sẻ
Trong báo cáo thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống xâm hại và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Sửa đổi, ban hành kịp thời chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện thể chế về lĩnh vực phòng, chống xâm hại trẻ em đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chăm sóc tâm lý trẻ mồ côi do Covid-19 - Ảnh 1.
Chăm sóc trẻ mồ côi do Covid-19 

Theo đó, nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; ban hành 4 Nghị định, 1 Nghị quyết.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định có quy định, nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em, hỗ trợ cho trẻ em trong dịch bệnh Covid-19, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em với nhiều điểm mới đáng chú ý: ban hành các mục tiêu về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021- 2030; nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội; phát triển công tác xã hội; quy định mức hỗ trợ và hỗ trợ thêm một lần đối với trẻ em đang điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế. Đặc biệt, lần đầu tiên ban hành chương trình cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Xác định tầm quan trọng của truyền thông đối với việc bảo vệ trẻ em, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em và hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách, quy định mới trong Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 có liên quan trực tiếp tới bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 với chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Tăng cường truyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và bảo vệ trẻ em trong đại dịch; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng; hệ lụy của xâm hại tình dục trên mạng xã hội. Các cơ quan truyền thông tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống xâm hại nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng, góp phần bảo đảm trẻ em được sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, khai thác và tiếp cận thông tin bổ ích, tích cực trên môi trường mạng.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 121/2020/QH14, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống xâm hại trẻ em bằng nhiều hình thức truyền thông, nội dung phong phú, đa dạng góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình, nhà trường và xã hội.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai với nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em phong phú, cụ thể và phù hợp hơn với các nhóm đối tượng. Qua đó, giúp nhận thức của cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cha, mẹ, trẻ em nói riêng và xã hội nói chung về phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại và xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có sự chuyển biến tích cực.

Nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc thể chế hóa một số quan điểm, chủ trương của Đảng tuy đã ban hành được một số luật, chính sách, chương trình, đề án nhưng tổ chức thực hiện còn chậm, chưa đi vào thực tiễn, chưa có chế tài đủ mạnh. Cơ chế chính sách ban hành nhiều nhưng chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực để thực hiện; mức huy động từ nguồn xã hội hoá còn thấp; năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, thiếu tính chủ động, phối hợp xử lý công việc còn chậm.

Ngoài ra, cơ chế phối hợp trong xây dựng chính sách, pháp luật, trao đổi thông tin phục vụ hoạt động phân tích, dự báo, điều hành và việc thực thi thể chế, chính sách giữa các bộ, ngành và địa phương chưa thực sự bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Những tồn tại này cần được sớm khắc phục.

Chính phủ Chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý có hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

(Nghị quyết số: 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em)

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Luật Trẻ em, các bộ luật, luật có liên quan và các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu Nghị quyết số 121 của Quốc hội. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025 tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19.

Cùng với đó, cần nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi, đặc biệt giai đoạn 36 tháng tuổi; chính sách trợ giúp nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em di cư và trong các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Lê Hùng