Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Hoàn thiện nền tảng thể chế

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 06:43 - Chia sẻ
Đổi mới sáng tạo là một trong các mục tiêu theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Song theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết cũng như Đề án Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến năm 2030, đóng góp của đổi mới sáng tạo còn hạn chế so với nhiều nền kinh tế ở giai đoạn phát triển tương tự.

Tỷ trọng của kinh tế số còn thấp

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang nổi lên mạnh mẽ với nhiều thách thức mới và to lớn trong đổi mới tư duy, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, với nhiều công nghệ mới, hình thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, và đổi mới sáng tạo,… trong sản xuất, kinh doanh. Đây là những vấn đề mới, cần tư duy quản lý và thể chế quản lý mới.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 86/193 quốc gia. So với các nước Đông Nam Á, Việt Nam ở vị trí thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bruinei và Philippines. Chỉ số dịch vụ trực tuyến bị đánh giá thấp, từ vị trí 59 năm 2018 xuống 81 năm 2020.

Đánh giá này cũng phản ánh đúng thực tế việc triển khai thực hiện Chính phủ số ở nước ta với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa phổ biến, đặc biệt tại các cấp chính quyền xã, phường. Các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử (về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm) đã được xây dựng và vận hành, song chất lượng kết nối, chia sẻ và khả năng tiếp cận của người dân còn hạn chế.

Với những kết quả khảo sát nêu trên, theo một số chuyên gia, việc thực hiện mục tiêu đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ở nước ta hiện nay còn một số hạn chế. Đó là chưa thống nhất nhận thức về tính cấp bách của chuyển đổi số dẫn tới thiếu nhất quán trong hành động. Thể chế hiện hành chưa khuyến khích cũng như chưa phù hợp với các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số hay có phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh. Hạ tầng số đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu. Nền tảng số chưa phát triển cao, nhất là hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, hệ thống thanh toán điện tử, chưa làm chủ được công nghệ điện toán đám mây.

Xây dựng, hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ đã được các bộ, ngành đặt ra

Nguồn: ITN

Cơ chế nào cho môi trường kinh doanh số

Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số liên quan đến hầu hết các khía cạnh của phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, giải pháp thúc đẩy lĩnh vực này cần được tích hợp trong tổng thể các giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó có kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương, để hỗ trợ phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 - 2025 cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền tảng thể chế. Trước hết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán, đầu tư, tổ chức tín dụng, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số. Đi liền với đó là cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số (đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần) theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung các Luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, viễn thông, tần số vô tuyến điện, bưu chính…; đồng thời thực hiện định danh, công nhận, ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Anh Dũng