TP Hồ Chí Minh

Hoàn thiện khung pháp lý phát triển hành lang sông, kênh rạch

- Thứ Ba, 18/08/2020, 05:59 - Chia sẻ
Để biến nhiều hành lang bờ sông, kênh rạch ô nhiễm thành công viên cây xanh, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh đề án quy hoạch phát triển bờ kè sông, kênh, rạch nội thành và xây dựng khung pháp lý, quy chế quản lý thống nhất, đồng bộ. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan nhà nước và vai trò tham gia của người dân, doanh nghiệp, cũng như có biện pháp, chế tài đủ mạnh để triển khai thực hiện quy chế này.

Thay đổi diện mạo đô thị

Triển khai thực hiện Quyết định số 22/2017/QĐ - UBND ngày 18.4.2017 của UBND thành phố về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn, cũng như hưởng ứng Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh thực hiện cuộc vận động Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước, đến nay, thành phố đã phủ kín quy hoạch phân khu, trong đó đã cập nhật quy hoạch mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ sông từ 30 - 50m; nhiều công trình nạo vét kênh mương, xây dựng bờ kè thành công viên cây xanh đã được các địa phương triển khai, làm thay đổi diện mạo đô thị.

Bờ sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn quận Bình Thạnh.
Nguồn: ITN

Theo đó, đất hành lang sông Sài Gòn và các tuyến kênh, rạch trong nội thành sẽ được sử dụng làm công viên cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh các dự án cải tạo, chỉnh trang hệ thống kênh rạch có quy mô lớn như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Bến Nghé, rạch cầu Kinh - Thanh Đa… nhiều quận, huyện đã đầu tư và kêu gọi doanh nghiệp chung tay nạo vét kênh rạch, cải tạo hành lang thành công viên sạch đẹp.

Đơn cử, công viên dọc sông Sài Gòn tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức vừa được hoàn thành, với bờ kè được xây bằng bê tông dự ứng lực, lan can được thiết kế an toàn, khoảng hành lang sông được trồng cây xanh, thảm cỏ. Công trình chỉnh trang dọc đường Tố Hữu (nối đường Chu Văn An và Phan Chu Trinh, phường 12, quận Bình Thạnh) chạy theo rạch Lăng và rạch Cầu Sơn đang vào giai đoạn hoàn thiện, với lối dành cho người đi bộ và nhiều cây xanh xung quanh...

Theo các chuyên gia, dù việc thực hiện quy hoạch bờ sông, kênh, rạch của thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thành phố đang đối mặt với quá trình đô thị hóa gây tình trạng sạt lở, sụt lún; việc quản lý chưa đồng bộ khiến quỹ đất hành lang sông, kênh, rạch đang bị lấn chiếm, xây dựng nhiều dự án nhà cao tầng, hay các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê trong khi các quận, huyện chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Thành phố cũng chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hóa việc kè bờ sông, rạch trong nội thành, ngay với những vị trí có nguy cơ bị sạt lở.

Ngoài ra, việc khai thác quỹ đất hành lang sông, kênh, rạch cũng gặp hạn chế khi các dự án khu đô thị, khu nhà ở chỉ được giao đất đến ranh hành lang bảo vệ mép bờ cao nên chủ đầu tư không có quyền và cũng không có trách nhiệm phải xây dựng bờ kè hoặc đầu tư làm đường giao thông, mảng xanh, các công trình dịch vụ, tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, dẫn đến hành lang bảo vệ sông, rạch bị hoang hóa, sạt lở…

Huy động nguồn lực xã hội

Theo các chuyên gia đô thị, hệ thống sông, kênh, rạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh. Do đó, việc huy động các doanh nghiệp tham gia đầu tư, huy động nguồn lực xã hội là hết sức cần thiết; cũng như việc phát huy tiềm năng hành lang các tuyến sông, kênh, rạch để góp phần phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực bất động sản cần được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nguồn ngân sách để đầu tư nạo vét, xây dựng bờ kè và cải tạo hành lang sông rạch thành công viên còn hạn chế. Chưa kể, hiện thành phố mới chỉ có các quy định về ngăn chặn tình trạng san lấp, lấn chiếm hành lang sông, rạch; quy định về cấp quản lý cũng như lộ giới hành lang sông, rạch; mà chưa có quy định cụ thể về hành lang pháp lý, điều kiện thu hút đầu tư và kỹ thuật xây dựng bờ kè, hành lang sông, rạch. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng bờ kè gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã bước đầu làm thay đổi thói quen, tạo ý thức không vứt, xả rác xuống kênh rạch. Song, để thu hút các doanh nghiệp cùng chính quyền chung tay nạo vét, cải tạo để biến nhiều hành lang sông rạch ô nhiễm thành công viên cây xanh, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh đề án quy hoạch phát triển bờ kè sông, kênh, rạch nội thành và xây dựng khung pháp lý, quy chế quản lý thống nhất, đồng bộ. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan nhà nước và vai trò tham gia của người dân, doanh nghiệp, cũng như có biện pháp chế tài đủ mạnh để triển khai thực hiện quy chế này.

Để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hành lang sông, kênh, rạch, thành phố, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh Võ Kim Cương cũng lưu ý, thành phố không nên quá chú trọng đến hiệu quả kinh tế trước mắt mà nên quan tâm hơn đến môi trường đô thị và cảnh quan sông nước. Theo đó, cần bám sát quy hoạch thủy lợi chống ngập úng phân khu vực theo các phương án chống ngập và giao thông thủy để có kế hoạch và phương án thiết kế bờ kè hiệu quả nhất.

Nhật Phương