Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra cho tổ chức Công đoàn những thời cơ và thách thức mới đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, khẳng định được vai trò nòng cốt, trực tiếp trong xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.
Từ thông điệp của người đứng đầu cơ quan lập pháp cũng gợi mở nhiều vấn đề cần được nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ Bảy, dự luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu. Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao mục tiêu sửa đổi Luật lần này phải giải quyết được các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn hiện hành; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà Luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong bối cảnh mới; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Tuy vậy, nhiều quy định cụ thể của dự luật, như đánh giá của Ủy ban Xã hội - cơ quan chủ trì thẩm tra và các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, vẫn còn mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Xã hội và nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề xuất một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nhằm "bảo đảm toàn diện và tạo sự thuận lợi, đột phá nhất định hỗ trợ cho tổ chức Công đoàn phát huy vị trí, vai trò cũng như yêu cầu đổi mới Công đoàn Việt Nam".
Điều đó cho thấy, cần phải "tranh thủ" tối đa cơ hội từ việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn lần này để hoàn thiện khung pháp lý cho việc xây dựng "Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước".
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII tháng 12.2023 đã nêu rõ, "Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động"; "là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ".
Với vai trò, vị thế và sứ mệnh như vậy, cố Tổng Bí thư cũng yêu cầu, "trong quá trình tổ chức hoạt động, Công đoàn phải phát huy quyền làm chủ của người lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Quan tâm nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm sao để tổ chức Công đoàn các cấp thực sự là hạt nhân tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trong cả nước".
Như vậy để thấy rằng, cùng với những nội dung sửa đổi đã được thể hiện trong dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, cần thiết phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để thể chế hóa đầy đủ hơn nữa các quan điểm, chủ trương của Đảng ta về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Hơn ai hết, tổ chức Công đoàn hiểu rõ nhất mình đang thiếu gì, đang cần gì, đặc biệt là về khung khổ pháp lý để đề xuất với Quốc hội. Cần xác định rõ, sửa đổi Luật Công đoàn không chỉ là sửa đổi luật về một cơ quan, tổ chức cụ thể, mà quan trọng hơn là để tạo khung pháp lý thuận lợi nhất cho việc xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.