Hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục STEM và vươn tầm quốc tế
Từ "đốm lửa nhỏ", sau 10 năm, Ngày hội STEM đã đến nhiều trường học trên cả nước, lan tỏa tình yêu khoa học tới giới trẻ.
Đưa giáo dục STEM đến vùng khó khăn
10 năm trước, giáo dục STEM còn khá xa lạ với nhiều trường học Việt Nam. Khi ấy, toán và khoa học tự nhiên vẫn chủ yếu được giảng dạy theo lối "sách vở". Ngày hội STEM đầu tiên được một số đơn vị giáo dục tiên phong tổ chức vào tháng 5/2015, mở ra những hoạt động trải nghiệm khoa học vốn đã có ở đâu đó, nhưng chưa thực sự phổ biến, khuyến khích học sinh làm ra sản phẩm dựa trên tích hợp liên môn, biến kiến thức khô khan thành trải nghiệm thực tiễn đầy hứng khởi.
Đến nay, Ngày hội STEM đã được phổ biến trên phạm vi toàn quốc, từ cấp trường, huyện, đến cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tại tọa đàm “10 năm Ngày hội STEM bồi đắp tình yêu khoa học từ khối phổ thông” sáng 17/5, kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Liên minh STEM Việt Nam khẳng định, một trong những thành tựu nổi bật của hành trình 10 năm qua là việc ứng dụng công nghệ để mở rộng phạm vi tiếp cận giáo dục STEM. Sau 10 năm có thể thấy đã hình thành một hệ sinh thái giáo dục STEM tương đối đầy đủ.

“Chúng tôi đã đưa STEM và robotics tới 160 huyện trên cả nước và 39 huyện đã đưa vào giảng dạy STEM, tổ chức cuộc thi Robotics và Ngày hội STEM cấp huyện. Đặc biệt, tỉnh Cao Bằng và Liên minh STEM đã tạo ra công nghệ tập huấn cho đại diện lãnh đạo, giáo viên và học sinh của hơn 500 trường phổ thông của tỉnh chỉ trong một buổi sáng và hoàn toàn miễn phí. Đây được coi là một thành tựu chuyển đổi số quan trọng bậc nhất trong giáo dục STEM”, ông Đỗ Hoàng Sơn chia sẻ.
Trong số 39 huyện tiến hành dạy, học và tổ chức Ngày hội STEM hoặc cuộc thi Robotics cấp huyện, đáng chú ý có 8 huyện nghèo nhất cả nước, cho thấy sự thay đổi nhận thức đáng kể của lãnh đạo địa phương.
ThS. Hoàng Văn Đông, giảng viên Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Điện lực, người sáng lập Học viện Kidscode cho biết, các huyện miền núi còn nhiều khó khăn của các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai… đã có những thành quả đáng chú ý trong phát triển giáo dục STEM, tổ chức Ngày hội STEM và cuộc thi Robotics, có học sinh giành giải cao trong các cuộc thi quốc gia, thậm chí vươn tầm thế giới. Như vừa qua, đội tuyển Robotics VEX V5 (Đội 11) của Trường THPT chuyên Cao Bằng xuất sắc giành 2 giải thưởng lớn tại giải Vô địch thế giới Robot VEX 2025. Điều này minh chứng cho tiềm năng của giáo dục STEM ngay cả ở những vùng khó khăn.

Ông Đỗ Hoàng Sơn đúc kết, thuận lợi của việc đưa STEM về nông thôn, vùng khó khăn là do có 6 công nghệ miễn phí: robot ảo, trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh với các app và cảm biến, phòng thí nghiệm STEM ảo, thư viện STEM ảo, và nền tảng tự học Khan Academy. Bên cạnh đó, ở vùng nông thôn, vùng cao của Việt Nam có 6 “người thầy”: thiên nhiên (để trải nghiệm); khó khăn trong đời sống (nguyên liệu để đổi mới sáng tạo); lao động qua trải nghiệm thực làm; văn hóa cộng đồng; internet và chuyển đổi số; cộng đồng giáo viên STEM được đào tạo, thực hành và chia sẻ kinh nghiệm - với chi phí thấp.
“Đi từ gốc” để tạo đột phá về khoa học công nghệ
Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường.

Để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ông Đỗ Hoàng Sơn cho rằng, con người là trụ cột quan trọng và hành trình này phải bắt nguồn từ thế hệ trẻ. Để làm được, cần có sự thay đổi trong nhận thức, sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương, ngành giáo dục. Bên cạnh đó, đầu tư phòng lab, đào tạo giáo viên dạy STEM để tạo hệ sinh thái STEM ở các trường trung học phổ thông, và có sự kết nối với các trường đại học hàng đầu Việt Nam.
Cô Thu Hà, giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhớ lại, cách đây 10 năm, dù hướng tiếp cận thực hành trong giáo dục không mới, nhưng chưa thực sự được coi trọng. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tiên phong tổ chức Ngày hội Kỹ thuật đầu tiên vào năm 2012. Đây là cơ hội để học sinh lần đầu hiện thực hóa ý tưởng và thực hiện các dự án của mình. Đến nay, các câu lạc bộ (CLB) liên quan đến STEM dần được hình thành, bao gồm: Khoa học, Toán, Lập trình, AI, Robot…
Theo cô Thu Hà, với Nghị quyết 57, giáo dục STEM là một xu thế tất yếu và cần thiết cho sự phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Trong bối cảnh còn có nhiều khó khăn, hạn chế, để phát triển giáo dục STEM trong trường phổ thông, có 3 yếu tố quan trọng: con người, quy trình và công nghệ.

PGS. TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh sự cấp thiết của việc đẩy mạnh giáo dục STEM ngay từ bậc phổ thông tại Việt Nam. Thực tế, các nước tiên tiến đã tích cực triển khai giáo dục STEM trong trường phổ thông từ những năm 1990. Tại Việt Nam, cần song song đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và bồi dưỡng nguồn nhân lực từ học sinh phổ thông. Bởi để tạo đột phá trong khoa học - công nghệ, cần đi từ gốc và việc giảng dạy STEM cho học sinh phổ thông cực kỳ quan trọng.
"Nếu các trường phổ thông không giảng dạy STEM, chất lượng nguồn tuyển các trường đại học cũng sẽ bị ảnh hưởng, và điều này tác động trực tiếp đến chất lượng nhân lực khoa học - công nghệ” PGS. TSKH Vũ Hoàng Linh chia sẻ.
Theo PGS. TSKH Vũ Hoàng Linh, yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên phổ thông cần có hiểu biết sâu sắc về STEM. Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông và gia đình trong việc định hướng, khuyến khích học sinh theo đuổi các lĩnh vực STEM cũng vô cùng cần thiết.
Nhiều ý kiến cũng góp ý cần có một chương trình giảng dạy tích hợp và có hệ thống từ bậc mầm non đến đại học, cập nhật những chương trình tiên tiến của thế giới, bên cạnh đó đẩy mạnh hợp tác giữa các bên: nhà trường - doanh nghiệp - cộng đồng để tạo hệ sinh thái giáo dục STEM vững chắc…