Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai

Hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng, chống thiên tai

- Thứ Tư, 29/12/2021, 06:41 - Chia sẻ
Năm 2021 là năm bản lề xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sau khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ Chín (ngày 17.6.2020). Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật này tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành hoạt động PCTT.

Huy động nguồn lực phòng, chống thiên tai 

Từ ngày 1.7.2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều chính thức có hiệu lực thi hành. Luật khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác PCTT; huy động nguồn lực cho PCTT nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cứu hộ người dân vùng mưa lũ đến nơi an toàn Nguồn: ITN
Cứu hộ người dân vùng mưa lũ đến nơi an toàn
Nguồn: ITN

Một số điều của Luật PCTT được sửa đổi, bao gồm: loại hình thiên tai; công trình PCTT; nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị PCTT; ngân sách nhà nước cho PCTT; Quỹ PCTT Trung ương. Bên cạnh đó bổ sung 2 điều mới gồm: điều tra cơ bản, khoa học và công nghệ PCTT.

Ngoài ra, Luật nêu rõ nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu PCTT; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ; cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Luật bổ sung quy định bảo đảm yêu cầu PCTT trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình tại Điều 18a và sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm yêu cầu PCTT trong giai đoạn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn; công trình PCTT, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật tại Điều 19 (khoản 11 và khoản 12).

Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

 Năm 2021, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành xây dựng 2 nghị định, 3 quyết định và 4 thông tư, cụ thể: nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCTT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều; Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ PCTT; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và quy định việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai…

Khu dân cư xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) chìm trong nước lũ ngày 1.12
Khu dân cư xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) chìm trong nước lũ ngày 1.12
Nguồn:ITN

Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật PCTT, lần đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24.3.2020); Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 9.7.2020 kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 7.8.2018 về việc tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9.7.2021 về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã…

Tiếp tục xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã được luật hóa tại Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTT và Luật Đê điều. Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 6.7.2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCTT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều. Tính đến tháng 12.2020, có 10.039/10.556 xã trên cả nước đã hoàn thành việc xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã (chiếm 95%) với tổng số 745.768 thành viên.

Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục Trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài cho biết, việc kịp thời hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để từng bước nâng cao năng lực, giúp tăng cường hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cả trước mắt và lâu dài. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thảo Anh