Đa số các ĐBQH đều cho rằng, việc ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục khai thác khoáng sản.
Liên quan đến việc giải thích từ ngữ tại Điều 3, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đề nghị cần làm rõ hơn về khái niệm khoáng vật, khoáng chất và tại sao lại chỉ là loại có ích mà không có loại không có ích. Đại biểu cho rằng, nếu không làm rõ những khái niệm này sau này sẽ rất khó xử lý.
Về phân nhóm khoáng sản tại Điều 7, đại biểu cơ bản thống nhất với quy định phân 4 nhóm khoáng sản như dự thảo luật, trong đó tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III) và khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV)… Tuy nhiên, theo đại biểu cần nghiên cứu và rà soát kỹ để có quy định và cách phân loại cụ thể hơn.
Liên quan đến khoản 21, Điều 3 quy định khoáng sản độc hại và khoáng sản có chứa một trong các nguyên tố Urani và các chất độc hại khác, ĐBQH Hoàng Văn Bình (Lai Châu) đề nghị xem xét tách ra thành 2 khái niệm riêng biệt là khoáng sản độc hại và khoáng sản phóng xạ.
Về phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, đại biểu Hoàng Văn Bình cho rằng, cần xem xét, nghiên cứu đưa ra khỏi khu vực cấm hoạt động khoáng sản đối với các công trình như hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, công trình hạ tầng bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin bởi có thể bồi thường, sửa chữa hoặc đầu tư mới lại…
Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung quy định khối lượng khoáng sản được thu hồi, tránh lợi dụng việc thi công công trình để khai thác khoáng sản trái phép như đã xảy ra tại một số địa phương. Theo đại biểu, khối lượng khoáng sản thu hồi không được lớn hơn khối lượng phải đào của công trình theo thiết kế đã được phê duyệt…
Quan tâm đến giải thích từ ngữ, ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, cần phải đưa khoáng sản có giá trị quý hiếm vào danh mục.
Liên quan đến điểm d, khoản 1, Điều 29, có nội dung quy định đất tôn giáo, đại biểu Trình Lam Sinh băn khoăn, loại đất này không được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đối chiếu với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có quy định đất cơ sở tôn giáo chứ không nói đến đất tôn giáo. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định trong luật hiện hành với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để thể hiện chính xác trong dự án luật này.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) khẳng định, đây là một luật mang tính chất chuyên ngành khá khó và phức tạp. Tuy nhiên,về độ chi tiết của luật vẫn còn một số vấn đề còn băn khoăn. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu cho rằng, về cơ bản là cũng không có quá nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Song nó lại thay đổi về khái niệm hoạt động khoáng sản.
Quan tâm đến hoạt động chế biến khoáng sản được bổ sung mới trong dự thảo luật, đại biểu cho rằng hoạt động này đang được quy định ở rất nhiều luật, như Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Hóa chất... Tuy nhiên, theo đại biểu, nội hàm của hoạt động này được quy định rất chung chung ở Điều 80 và Điều 81. Do đó, cần phải đưa vào đầy đủ và chi tiết hơn.
Liên quan đến khu vực cấm hoạt động khoáng sản; khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản do UBND cấp tỉnh sẽ khoanh định những khu vực này và trình Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan. Đại biểu đặt vấn đề, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, cụ thể là cơ quan nào và có cần phải là ý kiến thống nhất hay không. Điều này cũng cần phải rõ trong dự thảo luật.