Diện mạo mới ở các huyện miền núi
Lang Chánh là huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa với gần 90% người dân là đồng bào DTTS. Trong những năm qua, đời sống của người dân nơi đây đã có những biến chuyển tích cực nhờ vào các chương trình, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, trong đó phải kể đến nguồn lực đầu tư từ Chương trình 1719. Trong đó, hiệu quả rõ rệt nhất là triển khai thực hiện Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS.
Trong năm 2022, từ Dự án 4, huyện Lang Chánh được phân bổ trên 10 tỷ đồng bao gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Từ nguồn vốn này, nhiều tuyến đường giao thông liên xã được kiên cố hóa, trong đó: Tuyến đường giao thông từ thôn Chiềng Khạt (xã Đồng Lương) đến thôn Tân Tiến (xã Tân Phúc) có tổng mức đầu tư 4,8 tỷ đồng được giải ngân hoàn toàn với 100% kế hoạch; sửa chữa Trường tiểu học Yên Thắng 2 tại bản Cơn, xã Yên thắng; xây dựng mới Trạm y tế xã và hỗ trợ các trang thiết bị y tế...
Trong năm 2023, huyện tiếp tục được phân bổ hơn 1 tỷ đồng vốn sự nghiệp của Dự án 4 để duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông quan trọng. Các dự án này đã được thực hiện và giải ngân 100% kế hoạch. Điển hình như: duy tu, bảo dưỡng đường giao thông bản Ngày, xã Lâm Phú; đường giao thông bản Tân Bình, xã Tân Phúc; đường giao thông thôn Chiềng Lằn, xã Giao Thiện. Các dự án này không chỉ tạo điều kiện cho sản xuất và giao thương, mà còn đóng góp vào công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người dân vùng DTTS và miền núi. Nhờ đó, huyện Lang Chánh có tỷ lệ giảm nghèo nhanh, từ 30,62% (năm 2021) xuống 18,97% (năm 2023). Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Đỗ Văn Cường cho biết: Huyện Lang Chánh đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2025 đường giao thông thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 75% trở lên; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm trở lên.
Còn tại huyện Quan Hóa, từ năm 2021 đến nay, huyện tập trung triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình 1719. Từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn như: Đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt tập trung... Theo đó, đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa trên địa bàn huyện đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường giao thông được cứng hóa đạt trên 73%; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%. Huyện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sắp xếp ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, như: Sắp xếp dân cư tại bản Tang, bản Sạy, xã Trung Thành; bản Lở xã Nam Động;...
Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Nguyễn Đức Dũng cho biết, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quan Hóa. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người huyện Quan Hóa đạt 30,53 triệu đồng, tăng 2,7 triệu đồng so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 là 22,5%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao, bảo vệ môi trường,... đều đạt nhiều kết quả tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm
Không riêng Lang Chánh, Quan Hóa, mà ở 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, hệ thống hạ tầng thiết yếu đang được tập trung đầu tư đồng bộ bằng nguồn vốn từ Chương trình 1719 lồng ghép với nhiều nguồn vốn hợp pháp khác. Giai đoạn 2021 - 2023, riêng nguồn vốn từ Chương trình 1719, tỉnh đã và đang đầu tư 364 công trình; duy tu, bảo dưỡng 55 công trình; hỗ trợ làm nhà ở cho hàng trăm hộ dân;…
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Bình, nhờ tập trung đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, ưu tiên các vùng khó, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng DTTS được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, 100% đường giao thông được cứng hóa từ thôn, bản đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 93,6%; đã hoàn thành đầu tư hạ tầng cấp điện cho 23 thôn, bản của 6 huyện; hạ tầng mạng lưới viễn thông, truyền hình được mở rộng, có 2.904 trạm thu phát sóng và 363 trạm truy cập internet, bảo đảm phủ sóng, cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, truyền hình đến 100% trung tâm các xã...
Đặc biệt, hệ thống hạ tầng được hoàn thiện đã giúp người dân phát triển sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ngày càng ổn định. Chương trình 1719 đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh và cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa từng bước phát triển; đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 giảm còn 11,04% (giảm 9.540 hộ nghèo), vượt 1,15% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; thu nhập bình quân của 11 huyện miền núi đến hết năm 2023 là 39,6 triệu đồng/người/năm.
Những con số ấn tượng trên là minh chứng cụ thể cho hiệu quả từ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, trong đó trọng tâm là Chương trình 1719. Để Chương trình 1719 triển khai ngày càng hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đang áp dụng cơ chế đặc thù để thực thực hiện chương trình; trong đó cơ chế lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; cơ chế thanh quyết toán các nội dung của chương trình đơn giản, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện và năng lực của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ chế phân cấp phù hợp với nội dung của từng dự án thành phần và phù hợp với năng lực của từng cấp.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình, trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định; đầu tư theo hướng ngân sách nhà nước đầu tư cho các nội dung, hoạt động trọng tâm, có sức lan tỏa và các công trình không có khả năng thu hồi vốn; huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân để đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.