Hoàn thiện cơ chế, chính sách về xử lý chất thải rắn
Có một thực tế rất đáng lo ngại là phần lớn các đô thị của nước ta đang phải đối mặt với lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh. Nếu không có những giải pháp kịp thời thì nguy cơ sống chung với rác... đang từng ngày hiện hữu. Để công tác xử lý chất thải rắn đạt được hiệu quả thì phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan; phân công đủ, đúng, rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, tránh sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm...
|
Cảnh báo về năng lực xử lý rác thải
Cách đây không lâu, Sở TN-MT Hà Nội đã đưa ra cảnh báo: với khối lượng rác tăng trung bình 15%/năm như hiện nay, đến năm 2012, các bãi chứa rác của Hà Nội sẽ đầy ứ và không còn năng lực để xử lý.
Lời cảnh báo đó có lẽ không riêng đối với Hà Nội mà thực tế nhiều đô thị ở nước ta đã, đang và sẽ phải đối mặt với thực trạng đáng lo ngại này. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 21.500 tấn/ngày. Còn theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các đô thị ước tính khoảng 37 nghìn tấn/ngày và năm 2020 là 59 nghìn tấn/ngày, cao gấp 2 - 3 lần hiện nay.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị gia tăng nhanh chóng nhưng hiện tại, công nghệ xử lý chủ yếu vẫn chỉ là chôn lấp và chế biến chất thải hữu cơ thành phân compost. Trong khi đó, có tới 85% số đô thị từ thị xã trở lên sử dụng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều diện tích đất và lãng phí nguồn tài nguyên rác có khả năng tái chế. Hình thức chế biến phân hữu cơ thì được áp dụng ở khoảng 9% số đô thị từ thị xã trở lên, tổng công suất hiện tại khoảng 1.400 tấn/ngày. Chính vì những hạn chế đó mà lượng chất thải rắn thu gom chỉ mới đạt khoảng 70% và chủ yếu tập trung ở nội thị. Tại nhiều đô thị, khu công nghiệp chất thải nguy hại chưa được phân loại riêng, còn chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt...
Nhiều đầu mối, khó giải quyết
Có nhiều lý giải việc tại sao phần lớn đô thị của Việt Nam khó giải quyết vấn đề rác thải: ý thức người dân; năng lực quản lý điều hành; thiếu sự quan tâm quyết liệt của nhiều phía... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, năng lực quản lý điều hành là nguyên nhân chính.
Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ TN-MT: mấu chốt của vấn đề chính là bài toán hệ thống từ bộ máy quản lý đến quy định chức năng nhiệm vụ của hoạt động này. Nếu đơn giản chỉ cần nhìn vào các chiến lược sẽ thấy ngay những nhược điểm, chồng chéo. Đơn cử như “Chương trình thúc đẩy phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn” và “Thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn” do Bộ TN - MT chủ trì; “Chương trình đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn cấp vùng” và “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị giai đoạn 2009 - 2020” do Bộ Xây dựng chủ trì; “Chương trình tăng cường quản lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề” do Bộ NN - PTNT chủ trì.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ KH - CN, Bộ Xây dựng cho rằng: thực chất, trong phân công có sự lẫn lộn giữa quản lý tổng hợp và quản lý chuyên ngành.
Cùng với việc nêu ra “cái lỗi” là do sự kém trong quy hoạch đô thị không có điểm tập trung rác, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội Môi trường đô thị Việt Nam cho rằng: chỉ vấn đề chất thải mà giao cho Bộ Xây dựng, rồi Bộ TN - MT, Bộ Y tế... Điều này dẫn đến tình trạng quá nhiều đầu mối, khó giải quyết dứt điểm. GS Đăng đề xuất: “Quản lý Nhà nước phải tập trung vào một đầu mối, thực thi biện pháp tổ chức giao cho địa phương”.
Cần thêm cơ chế, chính sách phù hợp
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại như: Nghị định về quản lý chất thải rắn; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này đã góp phần cải thiện công tác quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.
Tuy nhiên, cùng với sự phân tán trong quản lý và xử lýá chất thải rắn thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này dù đã có những bước hoàn thiện nhưng còn có một số điểm chưa đồng bộ hoặc chồng chéo; công nghệ xử lý còn chưa hoàn thiện; các công trình xử lý chất thải rắn thì manh mún, phân tán, khép kín theo địa giới hành chính; công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn ở các cấp còn thiếu và yếu; kinh phí thì hạn chế...
Chính vì vậy, để công tác xử lý chất thải rắn đạt được hiệu quả như mong đợi thì phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn và đổi mới công nghệ xử lý. Nhưng muốn làm được điều đó thì lại phải xây dựng một loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, nghiên cứu KH - CN và đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn. Về mặt pháp lý, cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, phân công đủ, đúng, rõ trách nhiệm cho các Bộ, ngành tránh sự chồng chéo dẫn đến hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm khi sự việc phát sinh. Song song với việc ban hành văn bản pháp luật thì khâu giám sát trách nhiệm thực thi và các hình thức xử phạt cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa.
Được biết, hiện Bộ Xây dựng đang gấp rút hoàn thành xây dựng Chương trình tổng thể xử lý chất thải rắn sinh hoạt, áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp giai đoạn từ nay cho đến 2020. Chương trình sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2011 này. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 là 85% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng; đến năm 2020, tỷ lệ chất thải thu gom đạt 95%, chất thải tái chế đạt 85%...
Với quy mô dân số đô thị không ngừng tăng lên, mức sống người dân được nâng cao, các ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, tiến hành đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ là cơ sở để thực hiện hiệu quả chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị, nhằm bảo vệ môi trường và góp phàn phát triển KT- XH bền vững.
Cần đầu tư lớn để xử lý chất thải rắn y tế Theo “Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025” vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, mục tiêu đến năm 2015 có 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý, trong đó 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Giai đoạn đến năm 2025, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 tầm nhìn đến 2020; quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020 và căn cứ vào các số liệu thống kê hàng năm, các nghiên cứu của Việt Nam và thế giới, Bộ Xây dựng cũng dự báo lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn cả nước đến năm 2015 khoảng 50.071kg/ngày và đến năm 2025 khoảng 91.991 kg/ngày (trong đó có hai vùng lượng rác thải y tế lớn là: Vùng đồng bằng sông Hồng chiếm khối lượng lớn năm 2015 là 14.990 kg/ngày và năm 2025 là 28.658 kg/ngày; vùng đồng bằng Nam Bộ năm 2015 là 12.839 kg/ngày và năm 2025 là 27.632 kg/ngày). Những con số trên cho thấy, đã đến lúc không thể chậm trễ và cần sự đầu tư lớn cho việc giải quyết chất thải y tế. Việc quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại sẽ nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn y tế nguy hại, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại được đầu tư xây dựng phải gắn liền với các khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và tại các cơ sở y tế nhằm thu gom, xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp. Thái Hà |