Tháo gỡ khó khăn về quản lý, bảo vệ rừng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, để quản lý và khai thác đúng mục đích, hiệu quả 15,85 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó trên 14,8 triệu ha có rừng, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 65 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, trong đó có 1 luật, 16 nghị định…
Riêng từ đầu năm đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 nghị định. Trong đó, có 4 nghị định thuộc lĩnh vực lâm nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 18.7.2024. Đây là nghị định có phạm vi áp dụng rất rộng, đối tượng liên quan đa dạng, nội dung nhiều và nhiều nội dung khó.
Cụ thể, đối với Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18.7.2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là nghị định có phạm vi áp dụng rất rộng, đối tượng liên quan rất đa dạng và nhiều nội dung khó nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã 4 lần lấy ý kiến thành viên Chính phủ, có tới 18 báo cáo tiếp thu, giải trình, tương ứng với 19 lần chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo nghị định.
Tại hội nghị, ngoài việc phổ biến, giới thiệu một số điểm mới của nghị định, các đại biểu ở các địa phương đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng để việc triển khai thực hiện có hiệu quả. Các đại biểu cho rằng, nghị định sẽ giúp địa phương tháo gỡ được nhiều vấn đề trong thực tiễn bị vướng mắc từ lâu.
Phát huy vai trò của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội
Cùng trao đổi, giải đáp những ý kiến của các đại biểu đến từ các các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị như Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Vụ Pháp chế đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đồng thời giải thích cụ thể xung quanh nội dung của nghị định này. Cùng với đó, nhấn mạnh nội dung mới của nghị định gồm 7 nội dung chính, bao gồm: Bổ sung quy định về điều chỉnh tăng, giảm diện tích các loại rừng; quản lý hoạt động sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng; giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chuyển loại rừng; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ và phát triển bền vững; dịch vụ môi trường rừng và các quy định chuyển tiếp.
Những điểm mới trong Nghị định 91/2024/NĐ-CP đã “cởi được nhiều nút thắt” cho các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó tạo điều kiện cho công tác bảo vệ, quản lý và khai thác rừng được hiệu quả hơn, phát huy tối đa được vai trò của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2024/NĐ-CP đã dựa trên quy định của Luật Lâm nghiệp và bất cập từ thực tiễn để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật đã được ban hành, cũng như tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính và quy chế quản lý rừng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị bày tỏ mong muốn các địa phương vừa tổ chức thực hiện, vừa tiếp tục truyền thông tới tất cả các đối tượng có liên quan để thực hiện nghị định hiệu quả nhất.