Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường

Chí Tuấn 04/08/2012 08:42

Theo đánh giá chung của các đại biểu tại Hội thảo góp ý Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường do UBTVQH tổ chức ngày 31.7 vừa qua thì dù đầu tư cho ngành khai khoáng thuộc loại cao, song hiệu quả thu được lại chưa như mong muốn…

Phó chủ nhiệm UBKHCN-MT, Phó trưởng Đoàn giám sát Võ Tuấn Nhân cho biết: hiệu quả đầu tư của ngành khai khoáng thời gian qua đóng góp vào tăng trưởng GDP không cao như mong muốn. Đầu tư của Nhà nước cho ngành khai khoáng thuộc nhóm đầu tư cao, nhưng hiệu quả đầu tư lại thuộc nhóm trung bình hoặc thấp theo từng giai đoạn. Lợi ích chủ yếu thuộc về các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội chưa tương xứng với vốn đầu tư. Tài nguyên đất nước bị xử dụng lãng phí trong khi Ngân sách Nhà nước thu được không tương xứng, cộng đồng dân cư địa phương phải gánh chịu hậu quả và chính quyền địa phương luôn phải tìm cách khắc phục

Nguồn:baohaiquan.com
Nguồn:baohaiquan.com

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: thời gian qua hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản được ban hành khá nhiều. Đặc biệt, việc QH ban hành Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường cùng với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý và khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường từng bước phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số quy định của pháp luật về khoáng sản chưa chặt chẽ, đơn cử như điều kiện tổ chức, cá nhân được phép tham gia hoạt động khoáng sản; điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác; năng lực kỹ thuật, công nghệ kém nhưng vẫn được tham gia nên dẫn tới tình trạng tài nguyên khoáng sản khai thác, sử dụng lãng phí, hậu quả về môi trường. Đặc biệt việc phân cấp quá nhanh nên tình trạng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do địa phương cấp chưa tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản; cấp giấy phép khi chưa có kết quả thăm dò; chia nhỏ khu vực khoáng sản để cấp phép; chưa ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường...

 - Theo báo cáo của Chính phủ, từ khi có Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, đến nay đã có 217 văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản gồm 47 Nghị quyết, Nghị định; 15 Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng; 119 Quyết định, Thông tư và Thông tư liên tịch của các Bộ; 36 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

- Quốc hội đã ban hành các Luật liên quan đến quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường như: Luật KHCN (năm 2000); Luật Đất đai (2003); Luật Ngân sách Nhà nước (2003); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004); Luật Doanh nghiệp (2005); Luật Đấu thầu (2005); Luật Hóa chất (2007); Luật Đa dạng sinh học (2008); Luật Thuế tài nguyên (2009); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (2009); Luật Thuế bảo vệ môi trường (2010); Luật Tài nguyên nước (2012); Luật Xử lý vi phạm hành chính (2012).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, cần có quy định chặt chẽ điều kiện cấp phép khai thác nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, cơ sở chế biến đồng bộ cũng như thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đối với hoạt động của mình. Bên cạnh đó, kịp thời và kiên quyết xử lý, đình chỉ các đơn vị vi phạm pháp luật về khoáng sản, pháp luật về môi trường và pháp luật khác có liên quan.

Tán thành với ý kiến người đồng cấp, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nghiêm Vũ Khải cho biết: tôi tra cứáu trên mạng, có tới 20 quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, ở tất cả các khâu, tất cả các cấp. Chỉ cần làm đúng những quy định này, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đã tốt hơn rất nhiều. Nếu triển khai vướng ở đâu, ai chịu trách nhiệm xử lý, cần được giải quyết kịp thời. Việc không thể  xử lý hình sự các vi phạm môi trường chỉ do những khái niệm “ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” chưa định lượng  kéo dài tới 4 năm là không thể chấp nhận được.

Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể với sản phẩm chế biến sâu, có hàm lượng quặng được nâng cao nhiều so với quặng thô ban đầu, có giá trị gia tăng và đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước. Mặt khác, xây dựng đội ngũ thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, quản lý khoáng sản; hoàn thiện hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản. Việc điều chỉnh phân công quản lý Nhà nước về khoáng sản theo nguyên tắc một việc chỉ phân công cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Đây là nội dung mới, quan trọng và cần thiết hiện nay trong quản lý nhà nước về khoáng sản…

Liên quan đến quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động quản lý khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị cần quan tâm phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, thủy nội địa và hàng hải phù hợp với các quy hoạch chiến lược phát triển khoáng sản trong phạm vi cả nước; bố trí vốn cho các công trình giao thông phục vụ khoáng sản. Các quy định của pháp luật cần được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, thiết bị, công nghệ trong khai thác chế biến khoáng sản; quy định cụ thể hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác. “Cần kiên quyết đóng cửa những cơ sở chế biến, khai thác khoáng sản lạc hậu, thủ công manh mún, gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác quản lý khai thác khoáng sản tại các địa phương, trong đó lưu ý việc khai thác cát, đá, sỏi trên các tuyến đường thủy nội địa” - báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Tài chính cũng đã làm rõ tình hình thực hiện chính sách thuế, phí về tài nguyên, khoáng sản; lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản; chính sách thuế tài nguyên; chính sách phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; tình hình xuất khẩu khoáng sản; vốn ngân sách cho thăm dò, điều tra về khoáng sản. Báo cáo của Bộ Tài chính nhấn mạnh: các chính sách đều phải hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, minh bạch, hạn chế khai thác các loại tài nguyên không tái tạo. Cơ quan thuế, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý khai thác khoáng sản nhằm thực hiện tốt mục tiêu đi đôi với bảo vệ môi trường và quản lý, thu phí, lệ phí đảm bảo công bằng. Cần quy định nghĩa vụ khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường, đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO