Hoàn thiện chính sách, huy động nguồn lực cho thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã có bước phát triển đáng kể, nhưng nhiều nơi cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu; đặc biệt, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu…

Chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng

Theo thống kê của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống thiết chế, văn hóa thể thao công lập trên địa bàn thành phố hiện có trên 300 công trình, trong đó 27 công trình đạt chuẩn đăng cai tổ chức, biểu diễn, thi đấu các giải quốc gia, quốc tế chính thức; 615/1.576 khu phố và 351/404 trụ sở khu phố và văn phòng ấp kết hợp với tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Thành phố có 188 công trình được xếp hạng di tích và 100 công trình, địa điểm được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử. Từ năm 2013 đến nay, thành phố đầu tư tu bổ, tôn tạo trên 60 công trình di tích.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Ảnh: BVHTTDL
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Ảnh: BVHTTDL

Bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, sự phát triển các công trình văn hóa, thể thao thời gian qua còn gắn liền với hoạt động xã hội hóa, trở thành một “thương hiệu” của thành phố mang tên Bác. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 2.500 cơ sở, không tính các địa điểm có cơ sở vật chất thể dục thể thao tại khách sạn, cụm dân cư cao cấp…

Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP. Hồ Chí Minh, sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu và kỳ vọng của thành phố. Là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, tuy nhiên sự phát triển của các công trình văn hóa và thể thao tại đây rất hạn chế (khoảng 1,5 công trình/vạn dân); tỷ lệ xây dựng thiết chế văn hóa chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là cấp xã, phường. Hầu hết cơ sở vật chất của ngành chưa đủ sức hội nhập quốc tế, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn; một số nơi tận dụng công trình sẵn có nên quy mô, kiến trúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng…

Tại Lâm Đồng, số lượng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được đầu tư xây dựng đạt và vượt mục tiêu đề ra (5 thiết chế văn hóa, thể thao trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 11/12 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, có 3 nhà thi đấu đa năng trên 1.000 chỗ ngồi; 137/142 xã, phường, thị trấn thiết chế văn hóa, thể thao, đạt tỷ lệ 93%). Thế nhưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các cấp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí của các tầng lớp Nhân dân nói chung…

Theo Cục Văn hóa cơ sở, thống kê đến hết tháng 9.2024, có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà Văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, đạt tỷ lệ 77,4%; 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp có Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 76,3%...

Tuy vậy, chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao của các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng đều. Đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở ở một số địa phương còn thiếu và yếu, nhất là cấp xã, phường, thị trấn. Một số địa phương chưa quan tâm phân bổ đúng mức nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở…

Tạo đòn bẩy thu hút nguồn lực xã hội

Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16.9.2024. Đây được coi là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển văn hóa, thể thao Việt Nam thời kỳ mới.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thiết chế văn hóa cơ sở

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thiết chế văn hóa cơ sở

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, nhằm đạt được các mục tiêu đồng bộ, hiện đại, bản sắc như Quy hoạch đề ra, cần thực hiện nhiều giải pháp. Đặc biệt, bố trí nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, các dự án, đề án...

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng góp ý, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách ưu tiên, đặc thù phát triển văn hóa, thể thao, nhất là bảo đảm sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh, thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo của cộng đồng…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Phạm Tấn Xử nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, lựa chọn bố trí đất đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở vị trí phù hợp, thuận lợi trong tổ chức hoạt động vui chơi giải trí của Nhân dân.

Nhiều ý kiến đề nghị ưu tiên dành ngân sách nhà nước để đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao ở những nơi khó thu hút nguồn vốn xã hội hóa; đồng thời có cơ chế, chính sách để tạo đòn bẩy thu hút đầu tư của toàn xã hội ở những nơi điều kiện thuận lợi hơn.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, tỉnh đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26.6.2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có chính sách cho “tỉnh Nghệ An được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa”. Hiện 3 dự án đã có nhà đầu tư tham gia. Bà Trần Thị Mỹ Hạnh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao cho cả nước, từ đó huy động được nguồn lực xã hội đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao…

Văn hóa - Thể thao

Trao chứng nhận cho các họa sĩ
Văn hóa - Thể thao

Họa sĩ trẻ "vẽ con rắn"

Trong không khí chuẩn bị bước sang năm mới Ất Tỵ 2025, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp TiredCity và cộng đồng họa sĩ minh họa trẻ Vietnam Local Artist Group khai mạc triển lãm "Vẽ con rắn" mang đến cảm xúc thú vị về rắn, con giáp thứ 6 trong 12 con giáp của văn hóa Việt Nam.

Phát triển bền vững phá Tam Giang
Du lịch - Thể thao

Phát triển bền vững phá Tam Giang

Ngoài lăng tẩm, đền đài, xứ Huế còn có viên ngọc quý của tự nhiên là đầm phá Tam Giang. Câu chuyện khuyến khích phát triển kinh tế, xã hội mà vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo tồn cảnh quan mở ra vấn đề phát triển du lịch một cách bền vững ở vùng đất này…

Những "bữa tiệc" điện ảnh được coi là cơ hội thúc đẩy ngành công nghiệp làm phim và du lịch
Văn hóa

Sức nóng thảm đỏ và tình yêu điện ảnh

Một trong những kết quả nổi bật triển khai Luật Điện ảnh 2022 là việc chủ động, tích cực tổ chức liên hoan phim của các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Tuy nhiên, để duy trì chất lượng và sức hút của các liên hoan phim không đơn giản. Bởi không chỉ là thảm đỏ lộng lẫy với các ngôi sao danh tiếng hay những buổi chiếu phim đông khán giả, phía sau mỗi liên hoan phim còn là câu chuyện về kinh phí, công tác tổ chức, chọn phim…

Hoa hậu Sinh viên Việt Nam trao 540 phần quà Tết tại Ba Vì
Văn hóa - Thể thao

Hoa hậu Sinh viên Việt Nam trao 540 phần quà Tết tại Ba Vì

Sau Gia Lai và Sơn La, chương trình “Tết Vạn Xuân” do Hoa hậu Sinh viên Việt Nam khởi xướng tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương, sẻ chia và mang lại niềm vui cho những gia đình và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Tìm kiếm tài năng sáng tác truyện tranh Việt Nam
Văn hóa - Thể thao

Tìm kiếm tài năng sáng tác truyện tranh Việt Nam

Với mong muốn tìm kiếm các tác giả, họa sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc thi Sáng tác truyện tranh lần thứ hai năm 2025.