Cho ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, ĐBQH tỉnh cho rằng, tại điểm a, khoản 4, Điều 58 dự thảo Luật quy định, thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhưng không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. Quy định về thời hạn khai thác và gia hạn thời hạn khai thác như dự thảo là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương và Tổng Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định về đầu tư. Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và điều kiện địa chất khoáng sản của dự án, điều chỉnh thời hạn khai thác không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm cho phù hợp với thực tiễn và khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian qua...
Về quy định trách nhiệm lập phương án quản lý khoáng sản Điều 14 và điều chỉnh cục bộ phương án quản lý về địa chất khoáng sản theo quy trình thủ tục rút gọn tại Điều 15, đại biểu cho rằng quy định của dự thảo Luật có điểm chưa thực sự phù hợp. Do đó, Quốc hội chỉ quy định phương án quản lý về địa chất khoáng sản trong dự thảo Luật là một hợp phần của quy hoạch tỉnh, như lập các quy hoạch ngành trong tỉnh trước đây để tích hợp vào quy hoạch tỉnh; cần quy định việc hướng dẫn lập phương án quản lý về địa chất khoáng sản như Điều 14, còn trách nhiệm lập phương án về địa chất khoáng sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh là trách nhiệm của UBND tỉnh.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh thì đề nghị, đối với quy định về tiền cấp quyền khoáng sản cần hợp nhất 2 loại tiền cấp quyền khoáng sản và thuế tài nguyên. Đồng thời, giao Chính phủ phân công 1 cơ quan đầu mối quản lý, thực hiện. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, lược bỏ một số quy định chung chung, không có nội hàm, không có giá trị gia tăng hoặc giao Chính phủ quy định.
Cùng bày tỏ mối quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, cần giải thích rõ khoáng sản đi kèm tại Khoản 14, Điều 2. Theo đó, đại biểu đề nghị cần quy định “Khoáng sản đi kèm là khoáng sản (khác) có thể khai thác cùng với khoáng sản chính và có hiệu quả kinh tế (cao)”. Qua đó, bảo đảm có phân loại đối với các loại khoáng sản thông thường (như đất, đá trong khai thác than). Nếu không điều chỉnh, thì cần giao cho Chính phủ hướng dẫn hoặc phân cấp quản lý đối với các loại khoáng sản đi kèm.
Đại biểu cũng kiến nghị, nghiên cứu bổ sung trong Điều 6 về phân nhóm khoáng sản, đối với khoáng sản nhóm 4 loại khoáng sản do nguyên nhân bất khả kháng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gây sạt lở đất, đường... trên vùng khoáng sản; bổ sung thực hiện theo quy trình thủ tục rút gọn, cấp bách để bảo đảm an toàn đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp; cùng với đó, giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về quy trình, thủ tục xử lý và đổ thải.