Hoài Đức vươn mình phát triển

Tùng Lâm 06/03/2018 07:29

Hoài Đức là một trong những cánh chim đầu đàn trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, nhờ biết tận dụng tốt lợi thế của huyện và là vùng ven đô trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoài Đức hôm nay mang diện mạo mới với những khu đô thị mới khang trang, những làng nghề truyền thống và những vùng rau an toàn, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đó không chỉ là những minh chứng cụ thể cho kết quả thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã được hoàn thành, mà còn là biểu hiện sinh động cho một vùng đô thị mới, một chủ trương đúng, khi ý Đảng hợp lòng dân.

Hạ tầng hoàn thiện

Giai đoạn từ năm 2011 - 2016 huyện Hoài Đức đã huy động 3.260 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp cho chương trình xây dựng NTM. 100% đường liên huyện, đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn đã được cứng hóa.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đã được quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh từ nhiều năm nay, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho 100% diện tích đất canh tác, kiên cố hóa được 116,25km kênh mương; cải tạo, nâng cấp 186 trạm bơm đáp ứng tiêu chí giao thông nông thôn trong Bộ tiêu chí về xây dựng NTM. Trên 60% số trường Trung học phổ thông trên địa bàn huyện đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chỉ trong mấy năm qua huyện Hoài Đức như khoác thêm áo mới, có tới trên 800ha diện tích cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm diện tích này tiếp tục tăng thêm 20ha. 51/54 làng có nghề, trong đó 12 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống.

 Thu nhập người dân bình quân từ 22 triệu đồng/người vào năm 2010, năm 2017 đạt bình quân 45,2 triệu đồng/người. Người dân tích cực ủng hộ mạnh mẽ chủ trương xây dựng nông thôn mới, đã đóng góp rất lớn cho xây dựng hạ tầng nông thôn. Trong tổng kinh phí đầu tư cho nông thôn mới là 3.260 tỷ đồng, thì có hơn 100 tỷ đồng huy động từ nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đều phát triển đồng bộ. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Quản lý tốt công tác phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. Một số mô hình tổ chức sản xuất và chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã hình thành và hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Sau dồn điền, đổi thửa việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường; các Hợp tác xã được kiện toàn, củng cố theo Luật Hợp tác xã năm 2012 hoạt động dần dần ổn định, hiệu quả hơn trước.

Tạo đà phát triển

Mới đây, tại buổi làm việc với huyện Hoài Đức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết đến năm 2020, toàn thành phố sẽ đô thị hóa tới 60% nên cần có lộ trình phát triển các huyện ven đô thật chi tiết, kỹ lưỡng. Huyện Hoài Đức cần chú trọng rà soát lại các quy hoạch về cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển điện, nước… phấn đấu đến năm 2020, Hoài Đức cơ bản đạt tiêu chí thành quận; cho phép xã hội hóa đầu tư thực hiện dự án cấp nước sạch toàn huyện để đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2016 - 2018 và triển khai đồng bộ hạ tầng khung.

Thời gian tới, huyện Hoài Đức tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí trong chuẩn nông thôn mới đã đạt được, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục giữ vững các thành tích trong xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường

 Trên con đường còn nhiều thử thách phía trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức vẫn đang tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng của Nông thôn mới theo tiêu chí Quốc gia mới về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, QĐ số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định mới của Trung ương, thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới. Việc xác định đô thị hóa là lợi thế nhưng cũng đi kèm với nhiều khó khăn, thách thức như: Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề; việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng nông thôn, tiêu thoát nước trong khu dân cư; vấn đề giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất… đang tiếp tục đặt ra đối với huyện.

Khắc phục khó khăn này, ông Vương Duy Hướng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức cho biết, huyện đã ban hành một số giải pháp. Theo đó, đối với ô nhiễm môi trường làng nghề được quan tâm chú trọng, huyện đã thực hiện quy hoạch các khu làng nghề tập trung và đẩy mạnh xây dựng các khu xử lý chất thải ở 3 nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, Sơn Đồng và Vân Canh hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Chú trọng hoàn thiện và đồng bộ cơ sở giao thông hạ tầng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần đầu) hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; thủ tục hành chính giải quyết hồ sơ đất công khai, rõ ràng, rút ngắn thời gian thụ lý tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.

Với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức đang từng bước vượt qua mọi khó khăn thách thức để tiếp nối truyền thống của một huyện anh hùng. Cùng với thuận lợi về mặt địa lý, những đầu tư về mặt hạ tầng: Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32, tỉnh lộ 422, 423… sẽ đưa Hoài Đức cất cánh, không chỉ trở thành một đô thị hiện đại mà còn là vùng phát triển sản xuất kinh tế ổn định với các làng nghề truyền thống, CN - TTCN phát triển; quản lý sản xuất các vùng nông nghiệp chuyên canh ứng dụng các tiến bộ KHKT, phát triển dịch vụ chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, trong đó, cơ cấu kinh tế dịch vụ, thương mại được đặc biệt chú trọng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoài Đức vươn mình phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO