Hội họa gắn với đời sống
Tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ sáng 22.2, nhiều học trò, đồng nghiệp của cố họa sĩ đã có dịp ôn lại những kỷ niệm xưa về ông, một trong những sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XI (1936 - 1941). Say mê nghệ thuật, đi nhiều nơi, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã đem vốn sống thực tế, tìm tòi, thể nghiệm sáng tác nghệ thuật. Từ những tác phẩm trước cách mạng như: Trẩy hội - khắc gỗ (1939), Thiếu nữ và biển - sơn mài (1940), Biển và nhân vật - sơn mài (1943), đến những tác phẩm sau này: Du kích Cảnh Dương - khắc gỗ (1948), Phong cảnh Thủy Nguyên - sơn mài (1958), Chặng đường chiến dịch - sơn mài (1980)... cho thấy hội họa của ông phát triển gắn bó với đời sống hiện thực đất nước, mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đứng vững trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ |
Cách mạng tháng Tám thành công, tiếp đến là Toàn quốc kháng chiến, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ từ bỏ xưởng họa quen thuộc của mình tại Thủ đô, gia nhập vào dòng người lên chiến khu với hành trang mang theo là lòng yêu nước chân thành. Tập ký họa kháng chiến của ông dày lên theo năm tháng qua các địa danh quen thuộc như Làng chiến đấu Lệ Sơn, Cự Nấm, Cảnh Dương, từ chiến dịch Biên giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận xét, quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Văn Tỵ về nghệ thuật là Tổ quốc - Dân tộc - Nghệ sĩ, điều này thể hiện rất rõ trên những tác phẩm của ông, đó là những ký họa Bù Gia Mập, Du kích miền núi, Làng chài; bộ sưu tập về cảnh và người Tây Nguyên hùng vĩ. “Cần mẫn, thận trọng trong từng mảng màu, đường nét, hội họa Nguyễn Văn Tỵ như chính con người ông vậy. Với lối tư duy sáng tạo, biểu cảm trong chất liệu, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã để lại dấu ấn riêng có trong hội họa hiện đại” - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến khẳng định.
Tác phẩm Xô viết Nghệ Tĩnh, sơn mài (1957), đồng tác giả với 5 người khác |
Quan niệm nghệ thuật cởi mở
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917 - 1992) tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương Khoá XI; ông là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Với 75 tuổi đời, 55 năm nghề nghiệp, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã dành tâm trí cho sáng tạo nghệ thuật. Năm 2000, ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho các tác phẩm xuất sắc về Văn học nghệ thuật; cùng nhiều giải thưởng khác: Huy chương Bạc Triển lãm đồ họa Quốc tế Leipzig (1965), Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1995)… |
Có mặt tại Lễ kỷ niệm, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo kể lại, ngày đó khi ông về Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam công tác, bài học đầu tiên của ông là đi thư viện tìm đọc các bài viết, bài nghiên cứu, tìm xem các tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ bậc thầy mà ông đã được học trong những khóa đầu tiên.
Cũng trong câu chuyện của mình, nhà nghiên cứu Lê Quốc Bảo cho biết ngày đó chính sự kiện bài báo thầy Tỵ Về danh họa Picasso và nghệ thuật hiện đại đã có một tác động lớn đến quan điểm kiến thức nghệ thuật của ông, để rồi sau này khi vào trường Huế thỉnh giảng, ông đã thẳng thắn trình bày quan điểm nghệ thuật của mình: Nghệ thuật lập thể là một cuộc các mạng lớn về không gian, một cách nhìn về bốn phương tám hướng mở rộng không gian trên một mặt phẳng, nghệ thuật siêu thực biểu hiện trừu tượng không bị ràng buộc vào cái thấy, dễ tạo nên cái hoạt trong nhịp điệu hình và màu, còn nghệ thuật ấn tượng mở đầu cho chủ nghĩa hiện đại…
Tác phẩm Bắc Nam một nhà, sơn mài (1961), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam |
Những điểm mới trong quan niệm nghệ thuật cởi mở của Nguyễn Văn Tỵ đã đưa ông vào hàng ngũ các nhà phê bình nghệ thuật hiếm hoi nhưng thành danh trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu giảng dạy của mình, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cũng dành nhiều tâm huyết cho sáng tác hội họa sơn mài, với khao khát cháy bỏng, muốn sơn mài Việt Nam tiến xa.
Nhiều người còn nhớ, năm 1932 khi Trường Mỹ thuật Đông Dương mở xưởng sơn mài phục vụ cho môn học của Khoa Hội họa, Nguyễn Văn Tỵ khi đó vẫn là sinh viên cùng khoa với họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân… đã tìm tòi, bổ sung làm phong phú thêm cho chất liệu sơn mài các kỹ thuật và chất liệu như cách rây vàng bạc, sử dụng vỏ trứng, vỏ trai, đắp nổi. Nguyễn Văn Tỵ là người có đóng góp trong việc đưa màu xanh lam và sắc trắng của vỏ trứng vào tranh sơn mài, nhằm phá vỡ thế độc tôn của gam đỏ đen. Vì lẽ đó, năm 1937, sơn mài Việt Nam lần đầu tiên ra mắt công chúng nước ngoài tại Hội chợ đấu xảo quốc tế ở Paris, Pháp và được đánh giá cao.
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ |
“Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, một tiêu biểu của nghệ thuật sơn mài, cùng với các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn và nhiều họa sĩ cùng thế hệ đã để lại cho đời một phong cách sáng tác, một tiêu chí thẩm định nghệ thuật sơn mài phẳng - bóng - trong và độ sâu thăm thẳm của màu” - Nhà phê bình Lê Quốc Bảo chia sẻ.