Ngày 13.7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra trò chuyện nghệ thuật “Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng" nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên.
Chương trình có sự góp mặt của hai diễn giả: họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Đặng Thị Khuê; cùng người thân của cố họa sĩ, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.
Tên tuổi và sự nghiệp của họa sĩ Dương Bích Liên đã được ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và tác phẩm sơn mài “Hồ Chủ tịch qua suối” của ông được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Người đời gọi các nghệ sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái là “tứ trụ” - hẳn đã coi các ông như những trụ cột của "ngôi đền" nghệ thuật. Bởi cùng với “tứ trụ” thứ nhất (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn), các ông đã tạo nên nền móng của nghệ thuật hiện đại Việt Nam (đến nay đã gần một thế kỷ).
Chia sẻ tại chương trình, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: nhớ đến họa sĩ Dương Bích Liên, không thể không kể đến các tác phẩm như “Chiều vàng”, “Mùa gặt”, “Hào”… và đặc biệt là tác phẩm “Hồ Chủ tịch qua suối”. Tranh thiếu nữ của Dương Bích Liên cũng là đóng góp quan trọng, lưu giữ dung nhan đẹp đẽ của phụ nữ Việt qua thời gian...
Đồng hành với họa sĩ Dương Bích Liên nhiều năm, họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Ban Thư ký, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng: Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật lẫn bút pháp. Pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp Ấn tượng nhẹ nhàng, tranh ông là một cảm hứng lãng mạn, trữ tình, của một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ.
Khiêm nhường, ẩn dật và nhẫn nhịn trong đời sống, ông dồn hết năng lượng và nhiệt huyết cho nghệ thuật... Việc người đời tôn vinh ông là một trong những cột trụ của nghệ thuật hiện đại Việt Nam cũng là một đánh giá công bằng của lịch sử, cho thấy mọi giá trị đều bình đẳng trước thời gian, và công chúng là trọng tài vô tư nhất đối với nghệ thuật mọi thời đại.
TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, việc Bảo tàng tổ chức các chương trình trò chuyện, tưởng nhớ các nghệ sĩ có đóng góp quan trọng với nền nghệ thuật Việt Nam vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm để giúp công chúng hiểu hơn về đóng góp của các nghệ sĩ.
Nhân 100 năm ngày sinh của họa sĩ Dương Bích Liên (17.7.1924 - 17.7.2024), việc ôn lại hành trình đóng góp của ông, đối thoại với tranh của ông giúp người yêu mỹ thuật hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của một trong “tứ trụ” của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam.