Hiện diện trong chiều sâu văn hóa
Vẻ đẹp và giá trị của hoa sen trong đời sống văn hóa Việt một lần nữa được khẳng định tại tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt” mới đây tại Bảo tàng Hà Nội. Theo các nhà nghiên cứu, sen là loài hoa mang tính biểu tượng của văn hóa Việt. Từ lâu, hoa sen đã hiện diện sâu trong tâm thức và là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn trong đời sống văn hóa, nghệ thuật dân tộc.
Trong mỗi người Việt Nam, hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính dân tộc. Hoa sen có sức sống mãnh liệt kỳ lạ: mọc trong bùn, sống trong nước và vươn lên dưới ánh mặt trời để nở hoa kết trái. Bởi vậy, hoa sen tượng trưng cho bản tính tự thích nghi, thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần vươn lên mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh của người Việt.
Điều kiện khí hậu của Việt Nam thuận lợi cho hoa sen có mặt khắp nơi từ Bắc, Trung, Nam, gần gũi và thân thiết với mọi người, mọi lứa tuổi. Đặc biệt, hoa sen còn có ý nghĩa gắn liền với nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt. Từ truyền thống ẩm thực, các bộ phận trên cây hoa sen được biến chế thành những món ăn đặc trưng, mang đậm hương vị như: gỏi ngó sen, mứt sen, trà sen, cháo sen, bánh tráng trộn ngó sen, xôi sen, chè sen nhãn, chè sen hoa cúc, rượu sen, hạt sen, kẹo sen…
Hiện diện trong đời sống văn hóa Việt, hoa sen ngày càng khẳng định vai trò và vị trí quan trọng trong cả đời sống vật chất và tinh thần. Nhà nghiên cứu nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chỉ ra thêm, sen có thể trở thành thuốc, hoa sen cũng trở thành biểu tượng trong Phật giáo của phương Đông.
Nâng tầm giá trị
Ở góc độ nghệ thuật, TS Trần Hậu Yên Thế, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết từ lâu hoa sen luôn là nguồn cảm hứng bất tuyệt của thi ca và nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật. Ở Việt Nam, đề tài hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình, hầu như ở thời nào cũng được nghệ nhân thể hiện trong các đồ án trang trí của nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hóa của cộng đồng.
Hình tượng hoa sen được khai thác, phản ánh dưới nhiều góc độ bố cục khác nhau, xuất hiện hằng xuyên theo chiều dài của lịch sử dân tộc qua những công trình kiến trúc, mỹ thuật. Có thể kể đến: hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử (Quảng Ninh); Thống gốm hoa nâu khai quật được ở đền Trần (Nam Định); bia thời Trần ở chùa Sùng Thiên tự (Vĩnh Phúc)… cùng nhiều họa tiết trang trí, dáng gốm tại các đình, chùa...
“Hoa sen được rất nhiều nền văn hóa của các quốc gia lựa chọn để đưa vào đời sống nghệ thuật, tín ngưỡng. Ở Việt Nam, trên mọi vùng miền, hoa sen là cảm hứng trong nhiều loại hình nghệ thuật sáng tác từ xưa, qua nghệ thuật chạm khắc, tạo hình bởi bàn tay khéo léo của người thợ. Sang đến thời nay, sen vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ Việt”, TS. Trần Hậu Yên Thế khẳng định.
Yêu sen, nghiên cứu về hoa sen và tìm cách lan tỏa những giá trị từ sen là cách mà nhà sưu tập Nguyễn Thị Thanh Tâm đã làm trong nhiều năm qua. Bộ sưu tập của bà hiện có 433 sản phẩm về sen, trong đó có 258 tranh sơn dầu, sơn mài, đá quý, gốm sứ; 106 lọ hoa, đồ dùng, đồ trang trí chủ đề hoa sen; 69 bức thư pháp hoa sen và câu đối. Điều này góp phần minh chứng cho sự phong phú của hình tượng hoa sen trong đời sống văn hóa Việt.
“Trong hơn 20 năm qua, tôi đã tổ chức nhiều triển lãm, sự kiện để quảng bá nét đẹp của hoa sen. Càng làm, càng nghiên cứu về sen tôi càng nhận thấy đây là mảng đề tài hấp dẫn và còn nhiều điều ý nghĩa có thể tiếp tục thực hiện. Qua đó, khẳng định và tôn vinh hoa sen cũng như phát lộ những tiềm năng còn bỏ ngỏ, để phát huy hơn nữa giá trị hoa sen trong đời sống hôm nay”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ.