Cảm hứng từ tranh dân gian
Với nét vẽ mộc mạc, màu sắc tươi tắn và những câu chuyện đời thường, các dòng tranh dân gian Việt Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa dân tộc. Những bức tranh ấy không đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn phản chiếu tâm hồn, lối sống của người Việt. Theo năm tháng, có lúc các dòng tranh dần bị lãng quên, thậm chí có nguy cơ biến mất bởi thiếu người kế tục làm nghề. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực và đam mê của những người trẻ được đào tạo bài bản, một số dòng tranh đang được hồi sinh, trở thành kho ý tưởng cho những sáng tạo, biến tấu đầy mới mẻ.
Nghiên cứu tranh dân gian hơn 10 năm qua, góp sức để dòng chảy mỹ thuật truyền thống được tiếp nối, họa sĩ trẻ Nam Chi cho ra mắt nhiều mẫu tranh mới kế thừa từ các dòng tranh, kết hợp với kỹ thuật đồ họa, dựa trên tinh thần của hoa văn các thời kỳ lịch sử, như: Long Vân Khánh Hội, Tiên cưỡi Rồng - Tiên cưỡi Phượng theo phong cách tranh Kim Hoàng, Rồng chầu mặt trời theo phong cách tranh Hàng Trống... Họa sĩ Nam Chi cho biết: “Là một người trẻ, tôi muốn lan tỏa nét đẹp tranh dân gian tới người cùng trang lứa. Trong thời đại 4.0, tranh dân gian còn có thể số hóa và ứng dụng vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như quạt nan, đèn…”.
Với tinh thần khám phá, sáng tạo, những người trẻ mạnh dạn kết hợp nét truyền thống với xu hướng hiện đại. Gần đây, nhóm Magic of Color thường xuyên tổ chức các workshop làm tranh Đông Hồ, thử làm tranh Tết, bên cạnh đó còn cho ra mắt các sản phẩm décor từ chất liệu tranh dân gian, như bộ decal, hay các sản phẩm đèn lồng, tranh in trên các chất liệu khác nhau, với các bức tranh quen thuộc như Múa rồng của tranh Hàng Trống, Đám cưới chuột của tranh Đông Hồ, Cá chép vượt vũ môn hóa rồng trong tranh Kim Hoàng… tạo sản phẩm ứng dụng và tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang đậm hơi thở văn hóa Việt.
Không ít thương hiệu thời trang cũng thể nghiệm lấy cảm hứng từ tranh dân gian. Như bộ sưu tập của nhà thiết kế Nguyễn Minh Công mang tên Nét dân gian, dùng khả năng sáng tạo để truyền tải nét đẹp của tranh Đông Hồ đến gần hơn với các bạn trẻ và người yêu thời trang. Nhà thiết kế Hoài Sang cho ra mắt bộ sưu tập mang tên Xúc cảm dân gian với ý tưởng từ dòng tranh Kim Hoàng. Nhà thiết kế Thơ Thơ đưa họa tiết tranh Hàng Trống lên bộ sưu tập áo dài… Các nhà thiết kế đều mong muốn qua thời trang, những giá trị văn hóa dân tộc được lan tỏa.
Ngoài khai thác họa tiết, màu sắc đặc trưng của các dòng tranh, một số người trẻ còn mạnh dạn đưa vào yếu tố đương đại, từ đó góp phần phát huy giá trị của di sản văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; đồng thời tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
Hài hòa giá trị nghệ thuật và văn hóa
Là người yêu thích mỹ thuật cổ, từng ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ dòng tranh Kim Hoàng, nhà thiết kế Đặng Thị Ngọc Hân cho rằng, việc ứng dụng tranh dân gian vào thiết kế sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, như tôn vinh bản sắc Việt, góp phần bảo tồn dòng tranh đặc sắc sau một thời gian dài bị thất truyền. Tuy nhiên, thực tế việc ứng dụng dòng tranh này trên thị trường thời trang hiện nay vẫn còn ít, và do đó chưa tạo được ảnh hưởng lớn trên diện rộng.
Bên cạnh đó, khi chuyển đổi họa tiết từ tranh vốn là mỹ thuật tạo hình lên trang phục phải làm sao để các họa tiết tranh không bị mất đi sự sinh động và ý nghĩa khi chuyển sang một bề mặt khác như vải. Các nghệ nhân và nhà thiết kế phải điều chỉnh kích thước, màu sắc và vị trí họa tiết, kết hợp cả nghệ thuật thêu đính kết, đắp nổi, phù hợp với hình dáng của thiết kế mà không làm mất đi tính thẩm mỹ và ý nghĩa ban đầu của tranh đồng thời khiến cho sản phẩm còn mang tính nghệ thuật.
Hơi thở mới từ tranh dân gian đang thu hút sự quan tâm không chỉ từ giới thiết kế mà còn từ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu văn hóa. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những lợi ích, việc ứng dụng nghệ thuật dân gian vào sáng tạo, thiết kế đương đại cũng đặt ra nhiều thách thức. Nguy cơ làm mất đi giá trị nghệ thuật và văn hóa nguyên bản luôn hiện hữu khi sử dụng tranh không đúng với tinh thần của người xưa. Việc cân bằng giữa tính truyền thống và hiện đại để tạo ra những sản phẩm vừa mang đậm bản sắc, vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng toàn cầu là một bài toán khó.
Để phát huy tối đa giá trị của tranh dân gian trong sáng tạo đương đại, sự hợp tác giữa các nhà thiết kế với nghệ nhân và chuyên gia văn hóa vô cùng cần thiết. Qua đó, không chỉ bảo đảm tính chính xác và nguyên bản của các họa tiết xưa mà còn góp phần phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Tranh dân gian đi vào các sáng tạo đương đại mang tới một tinh thần mới mẻ, đồng thời không làm mất đi phong cách đặc trưng, cho thấy sức sống bền bỉ của nghệ thuật này trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng là một xu hướng tiếp nối, tôn lên nét đẹp văn hóa Việt trong thời đại hiện nay.