Hòa giải ở Kosovo

Khang Duy
Theo DW
20/01/2014 08:41

Một nhóm nhà nhiếp ảnh quốc tế đã cố gắng ghi lại cuộc sống hàng ngày ở thủ đô Pristina, với hy vọng qua đó sẽ giúp hòa giải, hàn gắn quan hệ giữa người Albania và người Serbia ở Kosovo.

 

Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008 nhưng nhiều người Serbia vẫn từ chối công nhận sự độc lập đó và tiếp tục coi Kosovo là một tỉnh của Serbia. Thỏa thuận được đại diện Belgrade và Pristina ký năm 2013 có thể giúp bình thường hóa quan hệ này. Theo Idrizi, một người mang cả hai dòng máu Kosovo - Albania, hòa giải liên quan chặt chẽ đến quá khứ chung của hai nhóm dân tộc trong cùng một quốc gia. Đôi khi, điều quan trọng là muốn tiến lên, bạn phải nhìn lại.

Sự chia rẽ sắc tộc cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhiếp ảnh gia. Theo lời mời của cơ quan hỗ trợ chính phủ GIZ (Đức), cùng với 5 đồng nghiệp đến từ Mongolia, Hungary, Palestine, Mali và Đức, Idrizi đã dành 1 tuần ở Kosovo, khám phá chủ đề hòa giải. Dự án nhằm sử dụng công cụ sáng tạo (máy ảnh) để đưa ra những quan điểm mới về chủ đề đang được quan tâm trong quan hệ quốc tế hiện nay. Thảo luận và triển lãm mang tên Hòa giải ở Kosovo đã cho thấy quan điểm của các nhiếp ảnh gia xung quanh chủ đề này.

Idrizi sinh ra ở Pristina. Trong chiến tranh Kosovo, Idrizi khi đó 15 tuổi, cùng gia đình trốn sang Macedonia, sau đó đến Bỉ trước khi trở lại Tổ quốc. Ngày nay, anh là phóng viên ảnh nổi tiếng, làm việc cả ở Pristina và Belgrade. Với Idrizi, hòa giải là một thực tế cuộc sống, nhưng anh cũng hiểu sự tức giận và căm thù của những người có người thân bị mất trong chiến tranh, ký ức vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù đã 14 năm. Gia đình Idrizi khá may mắn khi “không bị mất ai trong chiến tranh, vì vậy tôi sẽ dễ dàng hơn khi gặp người Serbia”. Nhiếp ảnh gia người Đức Merlin Nadj-Torma cũng tham gia dự án của GIZ tại Kosovo. Cô cho rằng, những bức ảnh của Idrizi rất ấn tượng. “Chủ nghĩa biểu tượng mạnh mẽ. Idrizi đã chứng minh các tượng đài liệt sỹ (vốn rất quan trọng với nhân dân những năm 1970 - 1980) vẫn tồn tại ở Kosovo nhưng giờ không còn chức năng gì nữa”.

Thực hiện chủ đề hòa giải ở đất nước mà xung đột vẫn hiện diện quả thật không hề dễ dàng, nếu không muốn nói ban đầu rất khó khăn. Nhiếp ảnh gia người Đức Nadj-Torma chia sẻ: “phản ứng đầu tiên của tôi là: Kosovo không phù hợp để thực hiện chủ đề này”. Tuy nhiên, cô đã được trải qua những khoảnh khắc đáng nhớ trong một tuần ở đây. “Chúng tôi gặp những người Serbia và người Albania cùng nhau làm việc trong hiệu bánh hay trong hiệu thuốc”. Dường như sáp nhập vào một nhóm dân tộc khác chẳng có ý nghĩa gì với họ.

Nadj-Torma chụp ảnh những nơi diễn ra các hoạt động thường ngày, như sân chơi thể thao, các gia đình ở Pristina. Những bức ảnh của cô mờ mờ, không rõ nét, giống như trong mơ. “Tôi muốn chứng minh, chỉ một chuyển đổi nho nhỏ trong nhận thức của chúng ta có thể đem lại ảnh hưởng lớn”. Idrizi khen ngợi các bức ảnh của đồng nghiệp Đức. “Ban đầu, tôi sợ các nhiếp ảnh gia khác chỉ đặt người Serbia cạnh người Albania, nhưng họ đã chứng minh cho tôi thấy sự hòa giải mang ý nghĩa nhiều hơn thế”.

Merlin Nadj-Torma sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng bố mẹ cô xuất thân từ Serbia. Nadj-Torma kể: “Tôi và Idrizi thường hay trêu đùa nhau, thách thức nhau, nhưng theo cách tích cực, vui vẻ”. Chỉ trong một phạm vi một dự án nhỏ, hai nhiếp ảnh gia đã cho thấy điều mà một ngày nào đó sẽ áp dụng cho tất cả mọi người Serbia và Albania: bỏ lại quá khứ, cùng nhau đối mặt với tương lai.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hòa giải ở Kosovo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO