Hóa giải khúc mắc

Thái Anh 14/03/2017 08:11

Ngày 14.3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đặt chân tới Washington để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Không chỉ củng cố liên minh truyền thống xuyên bờ Đại Tây Dương, cuộc gặp còn được mong chờ hóa giải các khúc mắc để hướng tới tương lai trong mối quan hệ song phương.

Khúc mắc từ những khác biệt

Có thể nói, phong cách chính trị của bà Merkel và ông Trump có sự khác biệt rõ nét. Nếu như Thủ tướng Đức luôn cân nhắc và thận trọng trong việc đưa ra các tuyên bố thì người đứng đầu Nhà Trắng đương nhiệm lại hay có “những phát ngôn mạnh” và thích là tâm điểm của sự chú ý. Có lẽ, đây chính là một phần lý do khiến bất đồng của cả hai trên mặt trận kinh tế và ngoại giao là khá lớn.

Tổng thống Trump từng gọi quyết định của bà Merkel cho phép hàng trăm nghìn người tị nạn vào nước Đức là “một sai lầm thảm họa”, đồng thời khẳng định sẽ siết chặt quy định chấp nhận người nhập cư. Bên cạnh đó, ông còn đe dọa sẽ áp thuế vào các nhà sản xuất xe hơi của Đức muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, cũng như công khai chỉ trích Berlin không chịu tăng chi tiêu cho quốc phòng, đóng góp thêm tài chính cho NATO. Thặng dư thương mại lên tới 50 tỷ euro của Đức với Mỹ cũng là một nguồn cơn khác dẫn đến căng thẳng. Cố vấn của Tổng thống Mỹ Peter Navarro cáo buộc Đức tìm cách đạt được lợi thế thương mại không công bằng thông qua đồng euro yếu, mặc dù chính quyền Berlin thanh minh rằng chính Ngân hàng Trung ương Châu Âu mới là thể chế có thể kiểm soát được số phận của đồng tiền chung châu Âu.

Về phần mình, bà Merkel chỉ trích mạnh mẽ quyết định của ông Trump về việc cấm công dân từ 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi vào Mỹ cũng như việc Mỹ ngăn chặn người tị nạn. Trong cuộc điện đàm hồi tháng 1 với tổng thống Mỹ, bà Merkel đã giải thích với ông chủ Nhà Trắng rằng Công ước Geneva bắt buộc các quốc gia ký kết, trong đó có Mỹ, phải đối xử với người tị nạn từ các cuộc chiến tranh trên cơ sở nhân đạo. Ngoài ra, nữ lãnh đạo này cũng là là người đi đầu trong việc kêu gọi sự minh bạch hơn của hệ thống tài chính toàn cầu để ngăn ngừa trốn thuế. Theo Open Market index, Đức là quốc gia mở cửa nhất cho đầu tư nước ngoài và thương mại trong nhóm G20. Đặc biệt, “Bà đầm thép” của châu Âu lo ngại, việc ông Trump liên tục ủng hộ quyết định rời EU của nước Anh có thể xói mòn sự thống nhất của khối trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy ở “lục địa già” đang trỗi dậy. Vì thế, bà coi chuyến thăm Mỹ lần này không chỉ với tư cách là nhà lãnh đạo Đức mà còn là “sứ giả” của EU.

Tìm tiếng nói chung

Chuyến thăm Mỹ hôm nay đánh dấu cuộc gặp riêng đầu tiên của bà Merkel với ông Trump kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Do vậy, nội dung chuyến thăm sẽ xoáy quanh nhiều vấn đề, từ quy mô ngân sách quốc phòng của Đức trong NATO, khủng hoảng Ukraine, quan hệ với Nga, người tị nạn Syria, thuế nhập khẩu, vấn đề của EU… Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích còn phỏng đoán, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tham khảo ý kiến của bà Merkel về quan hệ với nước Nga và cách xử lý khủng hoảng Ukraine.

Một viên chức Mỹ ẩn danh nhận định, hai lãnh đạo sẽ trao đổi với nhau trong bầu không khí thân thiện và tích cực. Cuộc gặp gỡ này được đánh giá quan trọng, thu hút sự quan tâm theo dõi của thế giới nhằm xác định hướng đi tương lai trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như những ảnh hưởng tới tương lai thế giới.

Nhiều người tin rằng, chính sách mở cửa, toàn cầu hóa là nguyên nhân gây ra những vấn đề như nhập cư bất hợp pháp, các cuộc tấn công mạng, thu nhập giảm sút hay tăng trưởng việc làm chậm chạp. Ở nhiều nước, chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng tăng lên. Từ năm 2009 đến 2015, các hàng rào thương mại trên toàn thế giới đã tăng lên gấp đôi, thậm chí một số quốc gia như Trung Quốc hay Iran phải bắt đầu đóng bớt không gian kỹ thuật số.

Bà Merkel là người thích làm việc dựa trên nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề đó. Ông Trump là vị Tổng thống Mỹ thứ 3 mà nữ lãnh đạo tại vị lâu nhất châu Âu này làm việc trong các nhiệm kỳ của mình. Trước đây, bà từng thiết lập mối quan hệ khá tốt với cựu Tổng thống George W. Bush, người rất có thiện chí cải thiện quan hệ với nước Đức sau những bất đồng của ông với người tiền nhiệm của Merkel là ông Gerhard Schroeder xung quanh cuộc chiến Iraq. Còn tổng thống Obama từng gọi Thủ tướng Đức là “đối tác quốc tế thân thiết nhất của tôi” khi cả hai từng sát cánh bên nhau trên nhiều vấn đề, từ lệnh trừng phạt Nga hay khởi động các  cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương. Chắc chắn, bà cũng muốn phát triển mối quan hệ Đức - Mỹ nồng ấm dưới thời Tổng thống Trump vì lợi ích quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở Đức sẽ diễn ra vào 24.9 tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hóa giải khúc mắc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO