Hoa gạo đỏ (phần cuối)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

26/05/2009 00:00

>> Hoa gạo đỏ (Phần 1)

- Liệu chiều mai có đến nơi không?

Người lính lạch cạch lưỡi lê ở hông đi cạnh ông Lừ, chưa được mấy bước chân đã có vẻ sốt ruột hỏi. Ông Lừ đáp:

- Đi ra thì hai ngày. Đi vào dốc, phải hơn.

- Thế đêm nay độ đường ở đâu?

- Cứ đi thôi, tới đâu ngủ đấy.

- Không được. Phải vào làng Pao Mao Chải ngủ. Trên đã sức cho lý trưởng làng đó đón rước rồi!

Hai người khiêng đòn đi ở phía sau cũng nghển lên. Một người bảo:

- Không đi đường Mao Chải được đâu. Cầu gỗ to qua suối lớn ở đầu làng trôi rồi.

Người kia tiếp:

- Mua thêm đường hay sao mà đi đường ấy!

Ông Lừ thêm:

- Đi đường ấy phải bốn năm ngày. Lâu quá. Đi đường tắt này nhanh về cho dân San Cha Chải khỏi ngóng.

Người lính than:

- Dốc ngửa ngực, vất vả quá!

- Chịu khó một tý thôi!

Mấy người khiêng phiến đá cùng nói một ý. Và phiến đá trên lưng họ lừ lừ chuyển, êm như trôi trên sóng lặng, chẳng cần một cố gắng nào. Qua một khu đồng hẹp, họ lội qua con suối rộng nhưng nông. Đó là con suối ở chân cao nguyên vùng San Cha Chải. Đường ít người qua, rêu xanh phong đá suối, trơn muội. Bốn người rờ rẫm từng bước ngắn, thận trọng còn hơn khiêng người ốm nặng. Sang tới bờ bên này, họ trút hơi thở đánh phào và thấy người như khỏe ra thêm. Họ đã thấy hương sắc vùng quê.

Hương sắc bản quê San Cha Chải, ấy là những triền núi vàng suộm cỏ gianh như một biển nắng chiều. Là cái khoảng xanh mờ ảo tít xa của những vùng rừng vầu cổ xưa. Là cái mùi hoa thảo quả thơm lựng hòa trộn với làn khí trời tê mát dưới tán rừng nguyên thủy thuần một loại pơ mu lão đại. Bóng những khoảng rừng già đã mỗi lúc một sẫm màu trong mắt người. Lát sau, qua ba bốn khúc đường lên dốc, xuống dốc như yên ngựa, phiến đá đã lọt hẳn vào một rừng già, tán cây tỏa xuống mặt đất vẻ trầm mặc, u tịch. Người lính bỏ nón quạt:

- Nghỉ chứ, các chư ông!

- Cố tý nữa, lên hết đoạn dốc này.

- Chịu các chư ông thật. Đi một thôi mấy tiếng rồi, ông Lừ?

- Đằng nào cũng phải đi, ông ạ.

- Sợ mệt là mệt các ông thôi!

- Việc làng, việc nước mình không làm, người khác cũng phải làm, ông lính ạ.

Việc làng việc nước! Cái ý nghĩa tự nhiên mà sâu xa! Vì việc làng việc nước mà vụ xuân này bỏ cả việc bán công sinh nhai. Vì việc làng, việc nước mà mang cái khó nhọc vào thân. Việc làng việc nước! Nào phải là đã hiểu thật hết ý nghĩa của công việc mình đảm đương? Nhưng phàm đã là việc làng, việc nước tức thị là việc thiêng liêng, cao quý và do vậy phải tận lực mà làm cho trọn vẹn là thế!

Đến trưa thì chính người lính đi chân tay không đòi nghỉ vì mệt quá, không thể đi được nữa. Đám khiêng phiến đá của Đức Vua phải dừng lại. Đó là một khoảng trống giữa rừng già. Vừa hạ kiệu, bốn người cảm nhận ngay được vẻ hoang lạnh đến rởn da thịt của khung cảnh. Bụi rậm và vòm cây chen kín, xung quanh họ tối mờ. Đã thế sương lại trắng mù mù vây bọc. Và từ trong xa xăm, vẳng lên tiếng róc rách của một con suối hoang, như một ám ảnh triền miên dai dẳng.

- Này, từ lúc vào khu rừng già này, các ông có thấy cái gì là lạ không?

Ông Lừ quệt mồ hôi trán, hỏi ba người đồng hương. Một người ngây ngây nét mặt:

- Tôi có thấy mùi gây gây.

Người lính đang nằm ngả trên đất, nghển cổ dậy, thểu thảo:

- Mệt lắm rồi. Nghỉ lại đây thôi. Mai đi tiếp.

- Không được đâu, ông ạ.

Ông Lừ nói với người lính và nhìn ba người bạn của mình. Lập tức cả bốn người cùng đồng lòng là phải nhấc đòn lên vai, đi ngay. Một nỗi hung hiểm chập chờn đâu đó, ai cũng nghĩ tới mà không dám nói ra.

Thấy mấy người đã khiêng phiến đá đi, người lính vội nhỏm dậy, thở phì phò:

- Tôi đến chết với các ông thôi.

- Cố lên, ông lính ạ. Tôi sợ chỗ này...

- Sợ cái gì?

- Đừng nói! Cố một tý nữa!

Người lính hiểu lờ mờ, đành lẽo đẽo theo sau bốn người nọ.

*

Đêm ấy đám người khiêng phiến đá của Đức Vua ngủ giữa rừng già. Chỉ có người lính được ngủ liền một mạch. Còn bốn người chia thành hai tốp thay nhau canh gác. Họ đốt lửa thâu đêm.

Sáng bửng, mặt trời rọi qua kẽ lá, phân tỏa thành nghìn tia sáng hân hoan, người lính mới mở mắt. Sức đã phục hồi. Những cảm giác tươi sáng trở lại. Ông nhìn bốn người bạn bỗng thấy yêu quý họ khác thường. Họ, giản đơn, thô sơ vậy thôi, mà thật là những tấm lòng vàng.

Thấy người lính mở mắt, ông Lừ bước đến:

- Ông còn mệt nhiều nữa không? Hôm nay ta đi cố thì tối có thể tới được.

Người lính nhổm dậy:

- Ừ, cố đi.

Đêm nay tới San Cha Chải, được ngủ trong nhà rồi.

Một người nói. Người khác thêm:

- Mời anh lính về nhà em nghỉ nhé!

- Tất nhiên rồi – Người lính vui vẻ – Đưa được phiến đá Đức Vua lên tới cột mốc xong là hoàn tất công việc.

- Tôi biết chỗ cột mốc biên giới.

- Ở đâu, ông Lừ?

- Trên núi chỗ có nhiều cây gạo hoa đỏ. Lạ thật, ông lính ạ. Ông trời cũng có ý phân chia địa giới nên mới gieo giống cây gạo bên mình. Còn bên kia, tịnh không một cây, thế mới lạ chứ!

Người lính cười, nhổm dậy:

- Đưa phiến đá của Đức Vua lên đó là xong việc của ta. Còn xác định điểm chôn là công việc của người khác. Thôi, rửa mặt, rồi ta lên đường đi. Nhưng mà hôm nay dẫu có sốt ruột vì nước mã hồi cũng đừng đi hộc tốc như hôm qua nhé, các chư ông.

- Không phải vì muốn xong việc để về nhà đâu.

- Thế thì vì cái gì vậy?

Ông Lừ chép miệng, thoái thác câu trả lời tỉ mỉ:

- Cũng là việc làng việc nước thôi!

Người lính bao dung, đứng lên rút cái khăn đeo bên sườn, xách cái bình toong, đi qua một bụi rậm, tìm đường xuống khe suối.

Cuộc sống chẳng bao giờ hết sự ngẫu nhiên. Và chẳng ngẫu nhiên nào giống hệt ngẫu nhiên nào. Điều hung hiểm ông Lừ cảm nhận bằng trực giác từ lúc bước vào khu rừng già hôm qua, đã hiện hình thành một sự thật. Một con hổ đói đã theo đoàn người suốt chặng đường hôm qua, giờ nó đang chờ ông lính ở bờ khe suối nọ.

Nghe tiếng người lính thét rụng rời, ông Lừ kinh hoảng đâm bổ xuống phía khe suối. Ba người kia chậm hơn, nhưng cũng nhao ngay tới cạnh ông. Và họ cũng rét run lên trong cảm giác sinh tử trước cơn nguy biến bất ngờ, bờ suối chỉ còn cái khăn mặt và chiếc bình toong sắt của người lính.

*

Họ đốt đuốc, sục vào các bụi rậm hú gọi, hò la. Tiếng hú, gọi, hò la vang rừng, nhưng thấm nhiễm nỗi vô vọng cô đơn. Dẫu sao thì cũng không thể tỏ ra là bạc nhược, yếu hèn. Dẫu sao cũng không thể bỏ mặc người bạn đường xấu số. Một ngày nên nghĩa, huống hồ lại đã cùng một việc lớn đồng tâm. Mất một ngày không tìm thấy dấu vết thi thể người lính. Hôm sau ông Lừ nêu ý kiến: để hai người lại tiếp tục tìm kiếm nạn nhân, còn hai người tiếp tục khiêng phiến đá của Đức Vua về San Cha Chải cho kịp ngày, xong việc.

Tính toán như thế là vẹn tình, vẹn nghĩa, được cả việc chung lẫn việc riêng, nên mọi người đều đồng ý. Ông Lừ và một người nữa tên Lý A Tỉn đảm nhiệm việc đưa phiến đá của Đức Vua về đích.

Cái nặng của phiến đá đang san sẻ cho bốn người nay đè lên có hai vai.

Tuy vậy, vốn là những người nghèo khổ, quen cực nhọc, họ vẫn tỏ ra dư thừa sức lực. Nửa ngày đầu, hai người đi bình thường. Nhưng từ nửa ngày tiếp, đường quá dốc, họ xuống sức rất nhanh. Đường xa, một cây kim cũng trở thành nặng. Huống hồ đây là đá, là dốc. Dốc quá! Đi người không mà có chỗ đầu gối chạm ngực. Ngựa đi có lúc còn toạc móng, phải đủn đít mới lên được. Đã thế lại phơi ra giữa nắng, bọn ruồi vàng khát máu, ngửi thấy hơi người, lại nhao tới nhăng nhẳng bám đốt, hút máu.
- Chết mất thôi, ông Lừ ơi!

Buổi trưa hôm ấy, lên giữa một con dốc, ông Tỉn rên một câu, rồi khuỵu xuống, phiến đá đổ nghiêng dưới đất đánh phịch.

Ông Lừ quay lại, mắt như tóe những hạt vàng hạt đỏ. Hơi thở thào thào qua cả hai lỗ tai. Ông cũng nhoài xuống, ngực đập đất, tim đập rung cả người. Rồi lìm lịm, ông thiếp đi lúc nào không biết. Lát sau, có lẽ là vì mấy con ruồi vàng nên ông Lừ tỉnh. Mở mắt, ông thấy xung quanh mình ắng lặng. Sợ quá, ông vội nhổm dậy và nhìn thấy ông Tỉn nằm bất động cạnh phiến đá của Đức Vua. Chẳng lẽ ông Tỉn chết? Trời ơi! Không thể thế được! Trăm lạy vong hồn ông lính, ông sống khôn chết thiêng, ông phù hộ cho việc làng việc nước thông suốt mọi đường. Ông Lừ lẩm nhẩm, lê đến người bạn đường. May quá, ông Tỉn đã mở mắt.

- Ông Tỉn à, nghỉ được một tý cũng đỡ mệt đấy.

- Tôi mệt quá, ông à.

- Tôi cũng vậy. Lẽ ra, ông nên ở lại tìm ông lính...

- Không, tôi cầm tinh con lợn, tôi hãi lắm.

- Khổ thật. Còn một chặng nữa là tới làng. Hay là ta cố một tý nữa.

- Ừ, cũng phải cố thôi!

- Tôi khấn vong hồn ông lính rồi. Ông Tỉn ạ.

Hai người lại chùn mình ghé vai, nhấc đòn. Miệng lầm nhầm cầu khấn linh hồn người lính, ông Lừ cố tỏ ra mạnh mẽ để động viên bạn mình. Nhưng, ông biết ông Tỉn đã phải dùng đến những sức lực dự trữ cuối cùng rồi. Phiến đá ậm ạch đi. Ông Tỉn thở ậm è. Rồi hơi thở biến mất. Lát sau hai người lại nằm còng queo như hai cái rễ cây bên phiến đá. Họ lại ngất đi như lần trước và cơn ngất này dài hơn. Nhưng tuy thế lần tỉnh dậy này, ông Lừ có cảm giác như sức lực vừa được bình phục trở lại. Cùng với cảm giác vui sướng râm ran trong lòng, ông nhận thấy ông Tỉn đã mở mắt, tuy là không cất nổi mình dậy.

- Ông Tỉn ơi, tôi kể ông nghe chuyện này nhé. Là cái lúc ông lính hỏi tôi, tôi không muốn nói nhiều, chứ tôi biết phiến đá này là cái gì rồi. Ở San Cha Chải mình, cột mốc bằng gỗ thôi, lại không phải của Đức Vua đích thân gửi lên. Nên người bên kia tính tham vặt, mấy lần họ đã nhổ lên, cắm lẹm sang phần đất ta. May mà có hàng cây gạo, chứ không thì họ ăn gian được. Ông Tỉn có nghe tôi nói không?

- Có. Tôi mệt quá, ông Lử ạ.

- Không sao đâu. Nghỉ một lúc nữa sẽ lại sức. Ông tổ mình xưa khỏe lắm, ông Tỉn ạ. Tôi nhớ bố tôi kể. Một lần đi chợ huyện gặp bọn gian mai phục định cướp đồ hàng, ông tổ mình cầm cái đòn xóc giơ cao, nói: “Các chú nếu nhổ được cái đòn này thì cho tha hồ lấy hết những gì ta có!” Đoạn ông tổ dùng tay cắm phập ngọn đòn xóc xuống đất. Bọn cướp xô tới, cả buổi hò nhau không sao rút nổi cây đòn lên được. Kìa, ông Tỉn... ông đỡ mệt chưa?

- Tôi... chết mất... ông Lừ à.

- Nói dại nào!

Ông Lừ đứng dậy. Ông định cổ vũ bạn, nhưng hóa ra chính ông cũng đã sắp cạn hết sức lực rồi.

- Hay là thế này...

Ông Lừ đến gần bạn, ngập ngừng...

Chao ôi! Trong cái ta đã quen thuộc đến nhàm chán, hình như bao giờ cũng ẩn náu điều ta chưa khám phá ra? Sau cái tưởng là kiệt cùng tuyệt vọng, phải chăng vẫn còn đó một khoảng không dự trữ niềm hy vọng? Và sự sáng láng của tâm tưởng bao giờ cũng vẫn là nguồn cội để sản sinh năng lượng mới. Ý thức bổn phận dẫu mang tính giáo điều và màu sắc tôn giáo, bao giờ cũng là một tiềm năng. Nữa là ở đây, đã tích tụ trong mình cái sức lực quật cường dồi dào của cả bộ tộc đói khổ, ông Lừ còn dạn dày trong lao động khổ sai nặng nhọc và mang trong mình tình thương yêu đối với những người bạn đường khốn khổ.

Tới lúc ông Tỉn mở choàng mắt, kêu một tiếng kinh hoàng, thì một sự kiện ghê gớm đã xảy ra, chưa hề có trong trí tưởng tượng của chính ông. Ông Lừ đã dựng phiến đá dậy, đặt nó vào hai sợi dây da. Ngồi xuống, áp lưng vào phiến đá, ngoằng hai đầu dây vào vai, tay nắm hai đầu dây còn lại, nhịn hơi, mặt căng nhức, ông Lừ từ từ đứng lên trên hai đầu gối run lẩy bẩy chỉ chực trẹo trọ gẫy khục.

Nhưng mà không, ông Lừ đã đứng dậy được. Ông Lừ đã bước đi. Loạng choạng mấy bước đầu, nhưng ngay ngắn dần. Rồi ông quàng sợi dây da lên trán. Đầu ông giờ là cái cọc giữ lấy phiến đá nặng.

Như có sức mạnh vừa tràn vào, ông Tỉn chồm dậy, vừa ôm ngực ho sù sụ, vừa cố dấn bước đuổi theo ông Lừ.

Ông Lừ xua xua tay bảo bạn im lặng. Ông đang khấn vong hồn ông lính để ông lính phù hộ ông hoàn thành công việc hệ trọng, quá sức này. Mặt ông nhăn nhúm, nhưng không có cái vẻ đau khổ như vẻ mặt Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá trên núi Gôngôtha vẫn thấy treo ở trong các nhà thờ Kitô giáo. Bức tranh ông Lừ địu phiến đá, biểu trưng quyền lực thiêng liêng của Đức Vua An Nam, có công sức, xương máu, mồ hôi của bao người, viền quanh là những bông hoa gạo đỏ.

Chiều hôm sau, lý trưởng Tráng Vần Đa lên thăm phiến đá. Ông là người biết đọc chữ Hán duy nhất ở San Cha Chải. Ông bảo: Phiến đá của Đức Vua khắc sáu chữ lớn: “An Nam dân quốc địa giới.” Đó là cột mốc biên giới của đất nước. Ông nói thêm, phiến đá này nặng hai con ngựa thồ không nổi, làm sao mà người thường địu nổi!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoa gạo đỏ (phần cuối)<BR>Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO