Hoa gạo đỏ (Phần 1)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

25/05/2009 00:00

>> Hoa gạo đỏ (Phần cuối)

Khi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.

 Khắp đất nước, có lẽ không ở đâu hoa gạo có cung màu đẹp tuyệt như ở đây. Ở đây, trời xanh trong vắt, thanh lọc đến kỳ hết vẩn bụi và mắt người như nhìn thấu tới tận cõi vô cùng. Ở đây, sau một mùa đông giá lạnh, xo ro, cây bung nở hết mình cái sức tích tụ bao tháng ngày.

 Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hóa, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp. Ngắm nhìn cảnh trí tự nhiên ấy, chạnh nghĩ đến sự xếp sắp cố tình của con người, ta không khỏi bàng hoàng trước các ngẫu hứng tài tình của thiên nhiên, cây cỏ cũng muốn tham gia vào đời sống nhân sinh. Biên giới không chỉ hoạch định bằng cột mốc nhân tạo. Và như vậy, những hạt gạo đuôi xòe lông tơ từ một miền nảo miền nào theo gió phát tán tới đây, giống như một hiện tượng chim đậu đất lành, lại như là một hành vi có ý thức hẳn hoi trong việc góp phần xác định ranh giới quốc gia.

 Đất đai vắng vẻ, rộng dài, thật là thung thổ thích hợp với loài gạo. Ưa hạn, chịu sáng, thích nghi với mọi khắc nghiệt, nên đến mùa xuân này thì gạo đã thật sự là những hàng đại thụ, thân hai ba người ôm, nghềnh ngàng cành nhánh vùng vẫy, đơm hoa bừng sáng cả một vùng trời miền biên viễn này. Chẳng có thứ cây nào mà lại hào phóng sắc đỏ đến thế. Và hoa thì vừa đỏ vừa lực lưỡng đến thế. Bằng cái cốc vại một, mỗi bông đậu trên cành trông chẳng khác một đốm lửa. Cả ngàn đốm lửa như thế suốt cả ngày phấp phới vẫy gọi những đàn sáo từ xa đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của chính mình. Bọn sáo vô tư, líu lo, nhảy nhót, đôi lúc đã vô ý làm rụng một bông hoa. Nhưng hoa chỉ thoáng giật mình tý chút thôi, trên đường rơi đó nó đã kịp thời lấy lại thế cân bằng và quay tít như cái chong chóng năm cánh hoa dày.

Ông Lý A Lừ, người làng San Cha Chải áp sát quả núi cao có cột mốc biên giới, cứ vào mùa hoa gạo nở, là vác cái rìu, đeo con dao, tạm biệt bà vợ trẻ, ra đi. Ông Lừ đi làm thuê. Như tất cả những người ở vùng cao heo hút nghèo đói này, cấy lúa xong là đem thân đi đục đá, phá ruộng, xây nhà, thu hái lâm sản thuê, cho tới tháng mười, vào vụ gặt, ông Lừ mới quay trở về làng, lúc ấy cũng là lúc cây gạo trụi lá.

Thời gian để lại dấu chân trên cây gạo.

Với ông Lý A Lừ hiền lành, chất phác và khắc khổ, cây gạo còn có một mối liên hệ gắn bó hơn. Xưa rày cây gạo là loại cây cho thứ gỗ kém cỏi lắm. Bộp, đến mức cho vào bếp người ta cũng chê là chỉ tổ khói. Nhưng thật không thể ngờ, đến mùa xuân này bỗng nhiên gạo trở thành một đối tượng kiếm tìm. Thì ra đã có một phát minh xẻ ván, cho cây gạo xuống nước ngâm, ngâm lâu đến mức tưởng như gỗ cứng đến mấy cũng phải mủn ra, rồi mang lên phơi, một nhà chế biến gỗ đã làm thử như vậy thì ôi chao, như có phép lạ thứ gỗ bộp nọ liền biến thành một loài tứ thiết, đã không biết cong vênh là gì lại còn rắn đanh đến mức đinh tây đóng vào cũng bị nhụt!

Nhà chế biến gỗ nọ là người hàng năm vẫn thuê ông Lừ hạ cây, xẻ ván, đem chuyện nọ ra kể. Ông Lừ kêu:

- Thế thì lên làng tôi. Làng tôi nhiều cây gạo lắm!

- Có to không?

- Không biết nó mọc từ bao giờ. Tôi nghe các cụ già kể: từ thời lập quốc, cây gạo bắt đầu mọc rồi. Giờ cây nào cây ấy đều to lắm!

- Vậy thì vụ xuân tới tôi sẽ lên và bác làm giúp tôi nhé.

Vụ xuân này thì chính là vụ hạ gỗ đã hẹn hò đây.

Nhưng, tiếc thay cuộc hẹn hò mùa xuân của người thợ chặt hạ và nhà chế biến nọ đã không thực hiện được. Hôm ấy, vừa quay vào đóng cửa, ông Lý A Lừ đã nghe thấy tiếng mõ gõ, mõ tre khua động từ nhà lý trưởng Tráng Vần Đa. Đó là mõ gọi họp toàn thể dân làng. Chẳng còn cách nào, vốn người gắn bó với việc làng nước, ông Lừ đành bước vào nhà cất rìu, dao, rồi đi đến nơi hội họp, tức cái bãi chơi ở đầu làng. Trong cái lều nhỏ ở giữa bãi chơi nọ, ông Lừ nhìn thấy lý trưởng Tráng Vần Đa mặc cái áo dạ xám, đội mũ lưỡi trai dạ đen đang đứng với mấy người lính lệ mới từ huyện về. Người đến sau ngồi trên cái đu quay, trò chơi còn sót lại từ ngày hội gà ma thú của cả bản.

- Mọi người đến đủ cả chưa?

 Sau câu hỏi, lý trưởng Đa bước ra khỏi lều, chống tay lên sườn, cố tình làm cho uy nghi và bệ vệ, để hợp với lời nói hách dịch:

- Cả làng nghe cho rõ mà theo mà làm. Mùa này từ hôm nay, trai làng, ông già không ai được đi bán công nơi xa nữa. Huyện vừa có giấy sức về đây. Việc này hệ trọng hơn mọi việc. Vua nước An Nam ta sắp vào thăm bản ta, tổng ta. Bởi vậy, làng phải cắt cử người sửa đường, sửa cầu, và ra huyện khiêng rước kiệu Đức Kim thượng về.

 Ngừng một lát, ông lý trưởng tiếp:

- Nào, nghe rõ cả chưa? Giờ, về sửa soạn. Nhất là trai đinh. Ở nhà, có lệnh gọi là đi luôn đấy!

Là người đi bán công xa nhất bản, đã từng làm việc với người Kinh, chính là nhà chế biến gỗ nọ, nên bếp lửa nhà Lừ từ hôm ấy đông người tới hỏi han trò chuyện nhất.

- Vua là thế nào, ông Lừ?

- Vua là người to nhất nước An Nam mình.

- Tôi cứ nghĩ, ta chỉ có một ông vua là Tráng Vần Đa.

- Ông Đa là vua cái nước nhỏ San Cha Chải ta thôi.

- Còn nước An Nam ta?

- Ối! Tôi đi ra huyện mất hai ngày đường. Người Kinh từ dưới xuôi lên mua gỗ đi từ kinh đô lên bằng tàu thuyền, bằng xe ngựa tới huyện này mất hơn nửa tháng. Như vậy, tính từ hàng cây gạo trên núi...
- Sao lại từ hàng cây gạo?

- À, ở chỗ cây gạo mọc là chỗ bắt đầu của nước ta. Ông giời gieo xuống thứ cây hoa đỏ ấy là để đánh dấu, để ta dễ nhớ mà. Từ đó đến huyện, tôi mới tới đó thôi, mất hai ngày đường. Rồi ra nữa... ra nữa, ngày qua ngày, tuần qua tuần... cuối cùng nghe nói là ra đến biển.

Mọi người cùng ngẩn ra. Câu nói của người đàn ông đã ra tới huyện vẽ một khoảng rộng mênh mông, chẳng biết đo bằng gì, chỉ hình dung ra bằng những ngày những tuần đi dằng dặng từ đầu này là màu đỏ hoa gạo đến thăm thẳm xa xăm ngoài kia là sóng biển xanh xanh trùng trùng. Một đất nước như thế là rộng, là hẹp. Và San Cha Chải nơi có cây gạo mọc đánh dấu, nên nó đúng là đất của Vua. Vậy nên Vua xa giá tới viếng thăm là phải rồi!

Làng sửa soạn đón Vua thật náo nhiệt. Đường dài mấy chục cây số qua rừng gianh, rừng nứa phải phát quang. Hai cây cầu gỗ trôi từ mùa lũ năm ngoái phải bắc lại. Lại thêm lan can, để nhỡ Đức Kim Thượng nảy ý thích xuống kiệu đứng ngoạn cảnh còn có chỗ vịn. Thôn xóm, sạch sẽ. Trâu bò đuổi hết lên rừng. Nhà nào cũng cố tìm mua đèn lồng đỏ, treo hai cái như má con gái, ngoài hiên. Người nào việc ấy, phấn chấn hẳn lên. Riêng ông Lý A Lừ thì phấn chấn hơn hẳn người khác. Bởi vì, ông và ba tráng đinh nữa được lý trưởng Đa cắt cử ra tận huyện để vừa là dẫn lộ vừa là theo hầu Vua, thậm chí khiêng kiệu Vua vì có thể Ngài không quen cưỡi ngựa.

Ông Lừ mừng lắm. Biết mặt Vua trước mọi người là một vinh dự, lại còn được theo chân Vua mấy ngày trời nữa thì thật là vinh hạnh không thể mua được bằng vàng. Sung sướng, ông Lừ sửa soạn quần áo, khấp khởi đợi chờ. Càng khấp khởi, bồn chồn hơn khi ông và ba người nữa được cắt cử đi, đón Vua lần này được chính lý trưởng Tráng Vần Đa báo tin: nhà vua đã bắt đầu lên đường!

Ngày qua, San Cha Chải và ông Lừ dõi theo bước chân của Đức Vua. Ngự trên cỗ xe tam mã, ngài đã ra khỏi kinh đô. Tháp tùng ngài có các quan đại thần. Còn có cả thợ mộc, thợ nề, kén tuyển từ các làng nghề. Vì lần kinh lý này ngài còn muốn sửa sang bờ cõi, tu bổ các cột mốc đường biên. Ngài đã tới Việt Trì. Tới đây, ngài bỏ xe ngựa xuống thuyền. Ngài đã ngự thuyền rồng tới địa hạt tỉnh Phú Thọ. Thuyền của ngài sắp ngược dòng tới tỉnh lỵ tỉnh Yên Bái... Ngài sắp... Ngài đã...

Cuối cùng con ngựa hồng như ánh lửa cháy rần rật một chiều nọ phi tới làng và hôm sau ông Lý A Lừ cùng ba suất đinh nữa, mỗi người một cái gậy dài vác vai, rời San Cha Chải ra huyện. Mặt mũi ai nấy đều hớn hở khác thường. Lý trưởng Tráng Vần Đa tiễn họ ra đến bãi chơi đầu bản và nhắc lại một lần nữa cho dân làng biết: bốn người này xuống huyện là để cùng quân lính dưới đó rước kiệu Đức vua về San Cha Chải và như vậy San Cha Chải, ngọn núi, mảnh đất, cái cột mốc xa xôi nhất sắp được hưởng một ân sủng không gì sánh nổi.

Mải miết trong hào hứng bất chấp cả lúc sớm bừng, khi tối trời dễ bị thú dữ làm hại, đi liên tục, cuối cùng ông Lý A Lừ và ba người đàn ông nọ đã vượt trước thời gian. Chiều thứ hai của cuộc hành trình họ đã tới huyện lỵ. Mệt nhọc nhưng cả bốn đều rất phấn khởi. Đi qua phố huyện, họ nhận ra vẻ khác thường của bầu không khí cô tịch vốn có ở nơi này. Trước cửa nhà nào cũng treo đèn lồng, kết hoa giấy. Đường sá đã được quét dọn sạch sẽ, phong quang. Bốn người được một người lính đón tiếp và dẫn đến một nhà trọ ở cuối phố.

Sáng sớm hôm sau, ông Lý A Lừ và ba người nọ vừa trở dậy thì người lính nọ tới. Bây giờ mới trông rõ ông ta. Vóc thấp, vai vuông, chân nhỏ quấn xà cạp, nên hai bắp trông như hai cái bắp bi. Mặt ông ta quê mùa, cũ kỹ, lại có mấy nốt rỗ hoa, trông vừa buồn tẻ vừa khôn ngoan.

- Nào, đi sớm không nắng.

Người lính nói. Ông Lừ săn đón:

- Đi khiêng Đức Ngài ạ.

Người lính nhướng hai con mắt nhỏ một mí, vẻ khó hiểu:

- Các người ở San Cha Chải?

- Vâng.

- Người U Ní chứ gì?

- Vâng.

- Dân U Ní khiêng, địu thì nhất rồi. Địu bằng trán có phải không?

Ông Lừ ngơ ngơ, bụng nghĩ mờ mờ tỏ tỏ, lại nhìn người lính, rụt rè:

- Đi khiêng Đức Vua ạ?

- Thì đi!

Người lính xẵng, rồi phất tay ra hiệu bảo họ đi. Bốn người San Cha Chải cum cúp đi theo người lính. Quanh quanh, ngoặt mấy lần, họ đến trước một túp lều gianh, cửa liếp còn khép. Chả lẽ Đức Vua ngài ở đây? Ông Lừ ngơ ngác, chực hỏi thì người lính đã chống nạnh, giục:

- Đức Vua của các ông ngự ở trong ấy. Đẩy cửa vào khiêng đi! Nhanh lên!

Ông Lừ đặt tay vào cánh liếp, vừa hồi hộp vừa sợ hãi. Sao lại có thể như thế này được nhỉ? Đến như ông Tráng Vần Đa, Vua San Cha Chải, cũng không ở cái túp lều tồi tàn như thế này. Một là ông nghe không thủng câu nói của người lính, hai là người lính độc bụng, định đưa ông vào bẫy mắc tội phạm thượng. Nghĩ vậy, nên ông Lừ rụt tay lại. Nhưng thật không may cho ông, cánh cửa liếp khép hờ hững lại có chiều hướng ngả vào bên trong, nên chỉ cần chạm khẽ vào là nó đã ỏe ra, ẽo ẹt một tiếng dài.

Hai cánh cửa mở một khoảng tối mờ. Bị chi phối bằng một đức tin và niềm sùng kính chất phác, ba người đàn ông và ông Lừ vội quỳ sụp xuống, chắp tay vái liền ba vái. Người lính bật lui trở lại, thoạt đầu bưng miệng cười, nhưng thấy thái độ thành kính chân thực của bốn người nọ, vội ngậm miệng đứng ngây đờ.

Trong bóng tối âm thầm hiện dần lên hình một phiến đá trắng, có chiều rộng một sải, cao bằng đầu người, dày hơn gang tay, mặt khắc chìm những dòng chữ bay bướm. Phiến đá đứng, hơi choãi chân ra phía trước, do chiều cao, chiều rộng, thế đứng và nhất là do những dòng chữ bí ẩn mà nó trở nên uy nghi khác thường.

Ông Lừ hơi sững người. Nhưng, lập tức lòng kính tín sau mấy giây rung rinh, lại trở lại và cùng với ba người kia, ông bước lại cạnh phiến đá mà run rẩy như được tiếp cận một linh thể và được hưởng một ân huệ khác thường. Người lính được lây truyền cảm xúc trân trọng bỗng dịu giọng:

- Đức Vua ngài bận việc quân lên ngự chỉ thuyền rồng lên tới tỉnh lỵ thôi. Ngài gửi phiến đá này vào. Phiến đá này thay mặt Ngài. Ngài bảo phải đặt nó lên ngọn núi San Cha Chải. Các ông hiểu rồi chứ. Bây giờ các ông sửa soạn khiêng đi!

Không chút thất vọng, trái lại, niềm tin yêu trang trọng bừng men trên nét mặt, ông Lừ và ba người đồng hương vội hạ đòn, buộc thừng chão, và sau khi làm thành cái kiệu mộc mạc, họ ngả phiến đá thiêng của Đức Vua lên đó, rồi đều tay nhấc lên vai.

Phiến đá của Đức Vua trên vai bốn người đàn ông U Ní ra khỏi huyện lỵ, trời mới tan sương. Nghe nói phiến đá đã theo Đức Vua từ kinh đô lên. Vua ở đâu, nó ngự cùng ngài ở đó. Tới tỉnh lỵ, nó cùng Vua được đón tiếp vô cùng trọng thị. Từ tỉnh lỵ vào huyện, nghi thức đã bớt đi phần diêm dúa, nhưng vẫn giữ được sự long trọng, nó được ngự riêng một cỗ xe tam mã vào đến tận huyện đường. Và mấy đêm vừa rồi, tuy là ở trong cái lều gianh xoàng xĩnh đó, phiến đá vẫn được canh giữ rất cẩn mật.

âËy là câu chuyện mở đầu của người lính đi theo áp tải phiến đá. Câu chuyện có tác dụng kích thích bốn người đàn ông, mặc dầu ra khỏi huyện lỵ, họ trơ trọi, thui thủi giữa bóng rừng mênh mang.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoa gạo đỏ (Phần 1)<BR>Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO