Hóa đơn điện tử - thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 17:13 - Chia sẻ
Hóa đơn điện tử (HĐĐT) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế; vừa tiết giảm chi phi hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị trực tuyến công bố Hệ thống hóa đơn điện tử do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 21.11.

Lợi ích từ nhiều phía

Việc triển khai HĐĐT theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng trong trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu

Đánh giá về hiệu quả thiết thực từ việc triển khai HĐĐT, Tổng cục Thuế cho biết, HĐĐT góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi. Bên cạnh đó, HĐĐT giúp đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu

Với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được thuận lợi; giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế…

Không chỉ thuận lợi với người nộp thuế, đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

“Dùng HĐĐT giúp áp dụng CNTT, ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế”, đại diện Tổng cục thuế cho biết.

Thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về HĐĐT và ban hành các quyết định triển khai hệ thống HĐĐT theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11.2021. Giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30.6.2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử.

Đánh giá về triển khai HĐĐT, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, việc đăng ký, kê khai thuế điện tử được triển khai khá sớm từ năm 2009, đến năm 2015 ngành Thuế triển khai vận hành Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế đến hoàn thuế. Đến nay, tỷ lệ đăng ký thuế điện tử đạt 100%; tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 99,9% tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99%, hoàn thuế điện tử đạt gần 98%. Đây là một bước tiền dài; nhờ đó, các chỉ số về môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế được cải thiện rõ rệt; đặc biệt người dân, doanh nghiệp được trực tiếp hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế qua mạng, không phải trực tiếp đến các cơ quan liên quan.

“Hóa đơn điện tử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế; vừa tiết giảm chi phi hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất

Việc triển khai hóa đơn điện tử là nỗ lực rất lớn của ngành thuế, nhưng đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30.6.2022 đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành tài chính, ngành thuế trong thời gian tới. Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, ngành tài chính, ngành thuế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính - NSNN, quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Để đạt được điều này, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tăng cường quán triệt trong toàn ngành, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa Hệ thống hóa đơn điện tử; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoá đơn điện tử đến toàn thể Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ hiệu quả người dẫn, doanh nghiệp về hóa đơn điện tử.

Ba là, xác định rõ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử, nhất là phối hợp với ngành Ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng. Đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn.

Năm là, cơ quan Thuế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý hóa đơn điện tử, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Việc xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử chỉ là bước đầu. Việc vận hành và sử dụng hệ thống một cách hiệu quả mới thực sự là mong đợi của Đảng, Nhà nước, Chỉnh phủ và kỳ vọng của toàn xã hội, của người dân, doanh nghiệp đối với ngành Tài chính, ngành Thuế.

Đăng ký thuế: Triển khai đăng ký thuế điện tử liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh đối với DN bắt đầu từ năm 2009 và đăng ký thuế điện tử trực tiếp với cơ quan thuế đối với cá nhân và tổ chức khác bắt đầu từ năm 2019, tính đến nay 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Khai thuế điện tử: Triển khai khai thuế điện tử từ năm 2009, tính đến năm 2021 có trên 849.000 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số trên 849.600 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,9%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm 2021 là trên 16 triệu hồ sơ.

Nộp thuế điện tử: Triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc từ năm 2014, tính đến năm 2021 có trên 837.300 DN đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99% số DN đang hoạt động.

Hoàn thuế điện tử: Triển khai trên toàn quốc từ năm 2017, tính đến năm 2021 số DN tham gia hoàn thuế điện tử là trên 8.000 trên tổng số 8.200 DN hoàn thuế, đạt tỷ lệ gần 98%.

Hà An