Hòa Bình gỡ khó cho tiêu thụ nông sản trong dịch bệnh

- Thứ Hai, 20/09/2021, 04:39 - Chia sẻ
Ảnh: Trần Tâm

Hiện, tỉnh Hòa Bình đã bước vào vụ thu hoạch một số sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm cây ăn quả có múi. Vì vậy, các ngành, địa phương phải xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức tiêu thụ nông sản trong điều kiện bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tránh tình trạng nông sản phải hỗ trợ tiêu thụ như các đợt bùng phát dịch trước đây.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình BÙI VĂN KHÁNH

Hỗ trợ kịp thời

Do ảnh hưởng của đại dịch, từ đầu năm đến nay, việc lưu thông hàng hóa trong và ngoài tỉnh Hòa Bình gặp không ít khó khăn. Đầu ra bị ách tắc khiến nhiều mặt hàng nông sản phải nhờ đến sự hỗ trợ tiêu thụ của cộng đồng. Để chủ động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân các địa phương, ngày 12.5.2021, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Công văn số 1462-CV/HNDT về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hội đề nghị các ban, đơn vị, các huyện, thành phố tăng cường nắm bắt thông tin, tổng hợp tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn; đăng ký các sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ (có thông tin cụ thể về sản phẩm, giá thành, số lượng, hình thức hàng hóa…). Các sản phẩm đề nghị hỗ trợ tiêu thụ phải bảo đảm sản xuất an toàn, sạch.

Nhờ triển khai đa dạng các hoạt động nên từ đầu năm đến nay, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ trên 80 tấn rau củ quả cho nông dân các huyện: Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc. Dù vậy, việc tiêu thụ cũng không hề dễ dàng. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Đức Biên chia sẻ: Một số hộ chưa có đầy đủ các giấy chứng nhận để Hội có thể đưa đến các thị trường trong và ngoài tỉnh kịp thời. Cùng với đó, việc thích nghi, chủ động liên kết, phối hợp trong tiêu thụ nông sản của người dân còn hạn chế, cộng với việc sản xuất tự phát phụ thuộc vào tư thương và giá cả thị trường nên rất khó ổn định về đầu ra. Đây là bài toán mà ngành chức năng của tỉnh phải tìm phương án giải quyết trong bối cảnh dịch bệnh được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tỉnh tại điểm bán trên đường Trần Hưng Đạo, phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình
Ảnh: Hải Dương

Đổi mới tư duy cho người sản xuất

Để thích ứng với đại dịch, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản, các hoạt động phối hợp, liên kết tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử đã được các ngành liên quan phối hợp với các đơn vị tiêu thụ thực hiện. Các hoạt động tập huấn cho các hộ nông dân thực hiện kỹ năng livestream, họp nhóm, gửi hình ảnh, video hoặc tổ chức đào tạo cách tạo tài khoản đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử được đẩy mạnh để nông dân nhanh chóng thích nghi với việc tiêu thụ nông sản trên công nghệ số.

Để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tiêu thụ triển khai đưa sản phẩm của các HTX lên sàn thương mại điện tử voso.vn. Trưởng nhóm Thương mại Điện tử phụ trách sàn giao dịch voso.vn tại Hòa Bình Nguyễn Thị Tân cho biết: Hiện tại, trang thương mại điện tử voso.vn đã đưa toàn bộ thông tin các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn và có hướng dẫn đối với các hộ có sản phẩm. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho tất cả các HTX có sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, về phía HTX cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. 

Đến nay, đã có 71 sản phẩm OCOP của tỉnh đưa lên sàn thương mại điện tử. Trong đó, có 4 nông sản được tiêu thụ khá mạnh theo hình thức này gồm: Bí xanh, bí đỏ, nhãn Xuân Thủy Kim Bôi, khoai sọ Yên Thủy. Thông qua hình thức tiêu thụ này đã góp phần kết nối để giúp người tiêu thụ và người tiêu dùng tìm đến nhau dễ dàng hơn. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trần An Định cho biết: Để giúp cho việc lưu thông cũng như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, Liên minh HTX tỉnh là khâu nối trực tuyến với nhà tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phối hợp với đơn vị vận chuyển (viettel post) để đưa sản phẩm nhỏ lẻ của HTX đến với người tiêu dùng; phối hợp với sàn giao dịch voso.vn đăng sản phẩm lên sàn, tập trung vào các sản phẩm đã và sẽ đạt chứng nhận OCOP trong thời gian tới. “Mặc dù là hình thức mới nhưng đây là giải pháp giúp các HTX thay đổi nhận thức tiếp cận công nghệ số và tăng cường sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, ông Định chia sẻ thêm.

Trần Tâm