Đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền
Để mỗi người dân tự bảo đảm an toàn tính mạng của mình khi tham gia giao thông, công tác tuyên truyền vẫn là yếu tố hàng đầu. Xác định được điều đó, tỉnh Hòa Bình đã bám sát chủ đề năm ATGT 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp với phương pháp tiếp cận phù hợp cho từng đối tượng được tuyên truyền.
Với trách nhiệm của mình, Văn phòng Ban ATGT tỉnh đã tổ chức phát thông điệp ATGT dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở tại các bến xe, cảng, bến tàu. Phát hàng nghìn cuốn cẩm nang ATGT cho Ban ATGT các huyện. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự ATGT bằng nhiều hình thức, như treo panô, áp phích, phát tờ rơi... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong các trường học; việc quản lý lòng đường, vỉa hè, hành lang được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, tỉnh đã xử lý nghiêm việc dựng rạp tổ chức các sự kiện, họp chợ, bán hàng rong khu vực có nhà máy, khu công nghiệp, sử dụng lòng đường, vỉa hè làm dịch vụ.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Đinh Anh Tuấn, tỉnh chú trọng công tác bảo đảm ATGT tại các khu vực có mật độ giao thông lớn; nhất là, tại khu vực cổng trường học có tiếp giáp với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Bên cạnh đó, công tác sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông và việc xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cũng được các địa phương chủ động xử lý theo phân cấp. Việc tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT được lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện thường xuyên.
Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Theo đại diện Ban ATGT tỉnh, thời gian tới, nhằm hạn chế tai nạn giao thông, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Đồng thời, bổ sung hệ thống biển báo, biển hạn chế tốc độ, sơn vạch, sơn gờ giảm tốc ở những đoạn tuyến đèo dốc nguy hiểm, những đoạn tuyến có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao; tăng cường kiểm soát các phương tiện chở quá tải lưu thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hòa Bình, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 136 vụ tai nạn giao thông, làm chết 58 người và bị thương 124 người. Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông chủ yếu do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành các quy định về trật tự ATGT như: phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường, lấn làn, chuyển hướng, vượt sai quy định.
Mặt khác, các địa phương cũng nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời, các lực lượng chuyên ngành tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm các lỗi có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao. Mở rộng địa bàn tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên thôn, liên xã và các đoạn đường có nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhằm ngăn chặn được tai nạn giao thông đối với xe mô tô, xe gắn máy; định kỳ và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường bộ và đường thủy nội địa.
Ban ATGT tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT đến tận phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; tập trung đổi mới cách thức và phương thức truyền thông, tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông theo tổ chức gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu… Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, tổ nhóm tự quản tham gia bảo đảm trật tự ATGT tại cộng đồng dân cư.
Chia sẻ thêm về công tác tuyên truyền, ông Đinh Anh Tuấn cho biết: Ban ATGT tỉnh sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT theo chuyên đề, các nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Trong đó, chú trọng tuyên truyền ở khu vực nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng cao để nâng cao nhận thức đối với người tham gia giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đường thủy nội địa.
Ngoài ra, mở các lớp tập huấn, tuyên truyền bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cho cán bộ cơ sở cấp xã, phường. Phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt việc giáo dục, xử lý đối với các trường hợp vi phạm khi có thông báo của cơ quan chức năng. Tiếp tục cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT tại các trường học trên địa bàn.