HOA ẤY VẪN THƠM (Phần cuối)
Truyện ngắn của Hạo Nguyên
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
11.
Chia tay chủ nhà hào phóng, chúng tôi tiếp tục đi. Theo như lời Cánh Sen, hôm nay chúng tôi sẽ đến Lối Dừng Chân.
Suốt con đường, tôi cứ bị ám ảnh về điều đã xảy ra đêm qua. Đôi lúc tôi nhìn sang cô bé, định hỏi, rồi lại thôi. Thấy vẻ lạ lùng của tôi, Cánh Sen ngạc nhiên:
- Chú sao vậy?
Tôi ấp úng:
- À, không. Chú… không sao.
Cánh Sen nhìn tôi dò hỏi:
- Chú không muốn đưa cháu về đến nhà à?
- Không, không có chuyện đó.
Tôi nhìn vẻ khó xử của cô bé, cười thật to:
- Với tất cả lòng tự trọng của người lớn, chú hứa sẽ đưa cháu đến tận nhà.
Nói xong câu đó, bỗng dưng tôi tự hỏi, ừ nhỉ, sau khi đưa cô bé vào nhà, mình sẽ về bằng cách nào, chẳng lẽ phải đi lại chính những con đường này, một mình? Khả năng nhớ đường của tôi, tôi không dám chắc về việc mình sẽ quay trở lại đúng y những con đường đã qua.
- Chú không phải lo. Đến lúc đó, mẹ cháu sẽ có cách đưa chú về. Mà về rất nhanh nữa là đằng khác.
Cánh Sen nhìn tôi, ra vẻ bí mật:
- Có khi chỉ trong một tích tắc thôi.
12.
Chúng tôi phải sang sông để vào Lối Dừng Chân. Trái với dự đoán của tôi là sẽ cưỡi cá chép, rùa hay cái gì đại loại như thế mới phù hợp với câu chuyện đầy phép thuật này, thì chỉ đơn giản là chúng tôi đi thuyền.
Và cũng trái với dự đoán của tôi là người lái đò sẽ phục vụ miễn phí, thì ông ta đòi chúng tôi phải kể cho ông nghe một câu chuyện lạ lùng nhất mà ông chưa từng được nghe. Nếu không đáp ứng yêu cầu đó, ông sẽ chờ đến khi có ai đó kể được thì ông sẽ cho chúng tôi quá giang. Điều này nằm ngoài tiên liệu của Cánh Sen. Cô bé rất bối rối. Rõ rồi, ở xứ sở của những điều kỳ lạ này, có gì cô bé biết mà một người như ông lái đò lại không biết? Thế là tôi phải trổ tài. Mà cũng không phải là khó khăn gì lắm. Tôi kể cho ông nghe về những chiếc tàu ngầm ở xứ sở chúng ta, có thể lặn sâu dưới nước cả trăm mét, chở theo cả trăm người, đi cả ngàn cây số, mà không cần phải nạp năng lượng. Ông lái đò nghe xong, thán phục:
- Quả là ở sông này không có con vật nào như vậy.
Tôi tủm tỉm cười. Tôi còn cả ngàn điều kỳ lạ để kể ông nghe. Nhưng thôi, để dành dịp khác.
Khi vào Lối Dừng Chân, mọi thứ khác hẳn những lối trước đó. Ở đây nắng vàng như mật. Hoa trái sum suê. Đất đai phì nhiêu. Và người đông đúc hơn. Trên đường đi, tôi bắt gặp khá nhiều người mang những lọ nước thủy tinh trên tay, đi cùng hướng với chúng tôi. Không giấu được tò mò, tôi hỏi:
- Những người kia mang nước đi đâu thế.
- Chú không nhớ à? Hôm ở Lối Ngoặt, cháu đã nói người ở đó chăn mưa mà. Họ sẽ mang những cơn mưa vào Lối Dừng Chân để đổi những thứ cần thiết cho sinh hoạt.
Ra thế. Tôi suy luận là những cơn mưa được “nuôi”, như lời Cánh Sen nói, đến lúc thích hợp sẽ được mang vào đây. Thảo nào xứ này trù phú như thế.
Chúng tôi đến một ngôi nhà rất lớn, có cả hàng trăm gian phòng, nằm sát đường lộ, được bao quanh bởi hàng rào hoa nhài thơm ngát. Cánh Sen ra hiệu dừng chân:
- Chúng ta sẽ nghỉ ở đây. Chú ạ. Mai đi tiếp.
Tôi nhìn đồng hồ. Mới quá trưa một tí.
- Sao không ăn uống xong rồi đi? Vẫn còn sớm lắm.
Cánh Sen mở cánh cổng gỗ, bước vào:
- Ngôi nhà này được dựng lên để bất kỳ ai lỡ đường cũng có thể dừng lại nghỉ ngơi. Chú vào đi.
Rồi cô bé nhìn sang tôi:
- À, cháu quên không nói với chú là mỗi ngày chúng ta chỉ được đi một lối thôi.
13.
Chiều đó Cánh Sen đưa tôi đi ngắm cảnh sinh hoạt của người ta ở Lối Dừng Chân. Ngoại trừ việc đổi mưa lấy các nhu yếu phẩm thì cuộc sống ở đây khá thân thuộc.
Tối, ăn xong, Cánh Sen vào phòng tôi trò chuyện. Bất chợt, cô bé hỏi:
- Chú có muốn cháu bày cách xem bản đồ không?
Tôi gật đầu tán thưởng. Cánh Sen trải tấm bản đồ trên bàn, chỉ những ký tự và giải thích ý nghĩa của nó. Tôi ậm ừ cho qua, vì khả năng tiếp nhận ngoại ngữ của tôi thuộc dạng rất khiêm tốn. Tôi chỉ đăm chiêu nhìn những ký hiệu hoa.
- Có phải ở cháu chỉ toàn trồng hoa?
Tôi đem thắc mắc từ hồi mới thấy tấm bản đồ ra hỏi. Cánh Sen lắc đầu:
- Không phải. Chỉ toàn hoa thì lấy đâu thực phẩm để ăn chứ.
Cô bé chỉ những bông hoa, giọng thành kính:
- Chúng cháu đặt tên những địa danh, những sông suối, núi non theo tên hoa. Vì tên mỗi loài hoa lại chính là tên của những người nổi tiếng nhất ở xứ cháu.
Cô bé nhìn tôi, giọng thì thầm bí mật:
- Mỗi con người ở xứ cháu lại chính là một loài hoa hóa kiếp mà thành. Kiếp trước là hoa gì, sau khi đầu thai sẽ mang tên loài hoa ấy.
Tôi à lên vỡ lẽ. Cánh Sen. Vậy ra kiếp trước cô bé là…?
- Cháu là hoa sen, nhưng mẹ thích gọi là Cánh Sen.
14.
Hôm sau chúng tôi dậy sớm. Ăn sáng xong, Cánh Sen giục tôi lên đường.
- Đường hôm nay sẽ dài. Và khó đi. Mình đi sớm chú nhé.
Chúng tôi chuẩn bị đến Lối Vào Nhỏ. Rời thị tứ thân mật của Lối Dừng Chân, Cánh Sen dẫn tôi men theo một vách núi.
- Chúng ta sắp đi vào Lối Vào Nhỏ. Ở trên kia. Rất hẹp. Cháu sẽ đi trước. Điều nhất thiết là chú không được nhìn xuống, vì dưới kia là vực sâu, rất sâu.
Tôi gật đầu vẻ am hiểu. Nhìn xuống rất dễ choáng, đặc biệt với những người sợ độ cao. Tôi không sợ độ cao, nhưng lần đầu đi men theo bờ vực thế này, rất ngợp.
- Không phải chỉ có thế. Dưới đó đầy cám dỗ, chú ạ.
- Cám dỗ?
- Dạ. Cháu giải thích e chú không hiểu, mà lại mất thời gian. Chú chỉ cần hứa với cháu là không nhìn xuống. Chỉ cần vậy thôi.
Nhìn khuôn mặt nghiêm trọng của Cánh Sen, tôi gật đầu, nghiêm trọng không kém.
- Được. Chú hứa.
Thế là Cánh Sen đi trước, tôi theo sau. Cô bé vừa đi vừa hát khe khẽ, như muốn tôi tập trung vào tiếng hát mà không để ý đến vực sâu. Tôi lắng nghe giọng hát trong trẻo ngọt ngào ấy, tự hỏi đó có phải là bài hát mà cô bé đã hát cùng bầy chim hạc hay không.
Càng đi đường càng hẹp, càng lạnh. Phía dưới kia, tôi cảm nhận rõ một làn hơi ấm bốc lên, xoa dịu sự căng cứng của bắp chân. Đi một lát sau, tôi lại mường tượng ra dưới kia là sự dịu dàng của chăn nệm. Tôi thèm biết bao được gieo mình xuống đó, nằm ngơi nghỉ giữa giường chiếu chiêm bao. Lát sau, tôi lại nghe dưới đó có tiếng gọi tha thiết của một ai rất quen thân. Tôi cố nhớ ra nhưng chịu. Lòng trí bồi hồi, tôi định lên tiếng, nhưng giọng hát vút lên của Cánh Sen khiến tôi định thần trở lại. Cứ thế, những ảo giác từ vực sâu cứ liên tục thay đổi, khiến tâm não tôi không lúc nào không bị réo gọi. Tôi đã năm lần bảy lượt muốn nhìn xuống, nhưng sực nhớ lời dặn, nên chăm chú nhìn vào đỉnh đầu của Cánh Sen, tiếp tục đi.
Hát mãi nên mệt, Cánh Sen bảo tôi hát. Tôi đùa:
- Giọng hát chú còn đáng sợ hơn vực sâu đấy. Thật sự cháu có muốn nghe không?
Cánh Sen cười khúc khích.
- Vậy chú kể chuyện đi. Hoặc nói về bất cứ điều gì. Miễn là đừng yên lặng.
Tôi hiểu ý, bắt đầu kể chuyện. Chuyện vị khách khó tính chuẩn bị xây biệt thự. Chuyện Steve Jobs và hãng Apple. Chuyện vũ khí hạt nhân. Chuyện tôi chiêm bao được đi Nhật. Chuyện Đức Phật niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu…
Đến trưa, chúng tôi dừng lại bên vệ đường, tôi ăn lương khô, còn Cánh Sen ăn vài quả táo. Rồi lại đi tiếp. Cánh Sen lại hát, giọng thánh thót. Rồi tôi lại kể chuyện. Chuyện vì sao tôi thích piano nhưng không học đàn. Chuyện cái mũi của Cleopatre. Chuyện Đức Jesus phục sinh. Chuyện hoa hậu chuyển giới…
Đến khi cả hai đều mỏi chân khản cổ thì một vùng bán sơn địa hiện ra trước mắt. Cả hai thở phào.
- Chú biết không, Cánh Sen quay lại nhìn tôi khi đã xuống chân núi, mắt cô bé long lanh, thường những ai đã qua được Lối Vào Nhỏ đều có thể vào ở trong xứ cháu.
Tôi vẫn còn quá mệt nên chưa kịp hiểu hết lời Cánh Sen. Cô bé tiếp:
- Dưới vực sâu có lời nguyền cám dỗ. Chỉ cần nhìn xuống, chú sẽ thấy ở dưới đó hiện ra điều mà chú đang khao khát nhất. Thế là chú sẽ rơi xuống đấy, và chết vì định đi tìm điều mình đang muốn.
Tôi tròn mắt. Đáng sợ thế à?
Cánh Sen cười:
- Nhưng chú đã không bị như thế. Chú rất tập trung. À không…
Cô bé lắc đầu, rồi nhắm mắt như cố tìm từ ngữ:
- Chú rất… thuần khiết. Đúng rồi. Thuần khiết. Với sự thuần khiết như thế, rất có thể chú được đón nhận ở xứ cháu.
Cánh Sen chăm chú nhìn tôi:
- Chú có muốn ở lại xứ chúng cháu không?
15.
Chúng tôi trú đêm trong một gốc cây đại thụ. Rễ cây nhô cao khỏi mặt đất, tạo ra một khoảng trống lý tưởng che nắng che mưa. Tôi nhóm lửa bằng cái bật lửa vẫn mang theo để hút thuốc. Cánh Sen ngồi cạnh đống lửa, và hát, mắt long lanh.
Bên bếp lửa giữa nơi hoang vu ấy, tôi chợt nhớ phố phường kinh khủng. Đôi lúc tôi thẫn người ra, không để ý Cánh Sen đang vừa nhìn tôi, vừa hát, mắt vẫn long lanh kỳ lạ.
Đi một chặng đường dài nên mệt rã rượi, tôi bảo:
- Ngủ thôi. Mai chúng ta còn đi nữa. Mà còn xa không nhỉ?
Cánh Sen trả lời, giọng âm thầm:
- Chỉ còn một chặng nữa thôi, chú ạ. Lối Khép.
- Ừ, vậy đi ngủ thôi. Chú mệt quá rồi.
Tôi nằm xuống lớp lá khô, vừa nghĩ về phố, vừa nghe giọng hát của Cánh Sen, lúc gần lúc xa, rồi thiếp đi lúc nào không hay.
Trong giấc mơ đêm ấy, tôi thấy rất nhiều cánh hạc, chở thân xác tôi đi về một nơi nào đó, heo hút vô cùng.
16.
Cánh Sen và tôi dừng lại ở nơi vào Lối Khép đúng trưa hôm sau. Tôi nhìn đồng hồ. Ba cây kim sắp chụm vào nhau ở số mười hai. Gần giữa ngọ.
Đó là một con thác lớn, nước đổ từ trên cao xuống cả gần trăm mét, tạo nên một làn sương mù vĩ đại, ướp chúng tôi trong giá lạnh. Tôi ngước mắt nhìn lên, thán phục. Phía trên đỉnh thác, mặt trời chiếu vào làn hơi nước, tạo thành một chiếc cầu vồng kép lung linh.
Cánh Sen đứng trang nghiêm, xòe đôi bàn tay ra giữa làn sương. Tôi tưởng cô bé đang nghịch nước. Nhưng nhìn khuôn mặt và đôi môi thầm thì của cô bé, tôi hiểu. Cánh Sen đang làm nghi lễ.
Giữa lúc tôi không hiểu cô bé đang tiến hành nghi lễ gì thì một vật trắng từ trên đỉnh thác bay thẳng vào tay Cánh Sen. Cô bé đem áp chặt vào tim.
- Cái gì thế?
Tôi hỏi khi Cánh Sen quay lại. Thay cho câu trả lời, Cánh Sen xòe tay ra. Một bông hoa sứ.
- Nó đã hóa thân thành bông hoa nghi lễ qua năm con thác. Giờ nó lại là hoa sứ.
Tôi nhìn bông hoa trong lòng bàn tay cô bé, bông hoa vẫn còn lành lặn và tỏa hương thơm như chưa từng bị vùi dập trong sóng nước.
Cánh Sen ngước nhìn tôi, mắt long lanh:
- Lối Khép sắp mở rồi. Chú có ở lại xứ chúng cháu không?
Tôi nhìn Cánh Sen, rồi nhìn con thác và chiếc cầu vồng. Tự dưng lòng tôi hoang hoải. Tôi chưa bao giờ có cảm giác như thế. Những câu hỏi giật lên trong óc tôi như những cơn địa chấn. Tôi muốn ở lại không? Đó có phải là tương lai của tôi không? Tôi đã sẵn sàng lãng quên cái tôi đã từng để sống cái tôi sẽ? Ở nơi đó tôi sẽ bất tử như lời cô bé kể chăng? Còn cái cuộc sống của tôi ở ngoài kia, ai sẽ thay thế?
Tôi nhìn đôi mắt long lanh của Cánh Sen, muốn nói một điều gì đó mà không thể nói được. Rồi tôi xoa đầu cô bé, cố nén một hơi thở mạnh.
- Chú nói đi. Chỉ còn vài giây nữa thôi.
Tôi tránh ánh mắt chờ đợi của Cánh Sen, ngước lên chiếc cầu vồng kép đang hạ xuống dần chỗ hai chúng tôi đứng.
Rồi tôi nhắm mắt, lắc đầu.
Cánh Sen mím môi nhìn tôi:
- Thật tiếc. Chú thật thuần khiết. Nhưng vẫn chưa đến lúc.
Cô bé nắm lấy bàn tay tôi, đặt vào đó đóa hoa sứ:
- Thôi… cháu đi đây. Lối Khép không mở lâu.
Tôi nhìn cô bé, gật đầu. Tôi muốn nói tạm biệt, muốn nói hẹn gặp lại, nhưng bỗng dưng lúc đó ngôn ngữ của tôi đóng băng hết.
- Mẹ cháu sẽ đưa chú về.
Cánh Sen vẫy tay chào tôi, mắt vẫn long lanh. Tôi nhìn cô bé bước lên cầu vồng và đi vào giữa dòng thác. Rồi cô bé hát, nhưng tiếng thác nước ầm ầm khiến tôi không nghe được gì. Chỉ nghe văng vẳng một giai điệu da diết từ làn sương trắng xóa.
17.
Khi tôi tỉnh dậy thì trăng vẫn còn sáng. Sương xuống ướt cả chiếc ghế đá tôi đang ngồi. Tôi ngơ ngác nhìn quanh, ven hồ vắng ngắt. Những đôi yêu nhau cũng không còn ngồi tình tự nữa. Tôi nhìn đồng hồ, đã một giờ sáng. Bần thần tôi đứng dậy, không biết mình đang tỉnh hay mơ.
Tôi dụi mắt nhìn kỹ, chiếc đồng hồ vẫn báo đúng ngày tháng mà tôi đang vẽ bản thiết kế và ra dạo bờ hồ giữa đêm trăng. Lòng hoang vắng, tôi lại ngồi xuống ghế, đôi chân dường như không chịu nổi sức nặng cơ thể, cứ run lên.
Bất giác, tôi xòe tay, nhìn.
Một đóa hoa sứ nằm trong tay tôi. Có lẽ do tôi nắm chặt nên đóa hoa đã bị giập, nhựa tứa ra thâm dần những cánh trắng.
Nhưng dưới đêm trăng, đóa hoa vẫn tỏa một mùi hương lạ lùng, như một tiếng gọi da diết từ nơi xa xôi nào vọng lại.