Hồ Trúc Bạch được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ hiện đạt nhất

Vi Hoa 25/09/2010 00:00

Công trình xử lý ô nhiễm hồ Trúc Bạch vừa được khởi công gần đây, một trong những công trình chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây là công nghệ hiện đại nhất của nước ta hiện nay, được áp dụng ở một số địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... Chỉ sau khoảng từ 15-20 ngày, sẽ thấy được sự thay đổi cơ bản của nước hồ.

Hồ Trúc Bạch được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ hiện đạt nhất ảnh 1

Thực trạng ô nhiễm tại hồ

Theo Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết các chỉ số đo được tại hồ đều vượt từ hàng chục đến hàng trăm lần so với quy chuẩn Việt Nam. Cụ thể, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn từ 12,5- 25 lần; hàm lượng amoni (NH4) vượt từ 7,8- 32 lần; hàm lượng nitrit (NO2) vượt từ 48,5-113 lần; hàm lượng COD vượt từ 2,8 đến gần 10 lần... Nguyên nhân chính của tình trạng nước hồ ô nhiễm nặng là hồ Trúc Bạch phải nhận một lượng nước thải chưa qua xử lý quá lớn. Nguồn nước chảy qua mương Ngũ Xã vào hồ bị ô nhiễm bởi cơ sở sản xuất nhôm, chất thải sau xử lý của nhà máy nước, nhà hàng và cống nước của các hộ dân sống trên lưu vực này thải vào. Do đó,
nước mặt chảy qua khu vực này có màu trắng vàng, mặt nước liên tục sủi bọt đen, nước bốc mùi hôi.

Công trình xử lý ô nhiễm hồ Trúc Bạch do Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ cao và Công ty Cổ phần Xanh phối hợp triển khai. Đây là công trình nằm trong đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình tổng hợp và ứng dụng xử lý ô nhiễm nước hồ Trúc Bạch nhằm áp dụng công nghệ hoạt hóa MRET, kết hợp sử dụng các chế phẩm tổ hợp khoáng tự nhiên thân thiện với môi trường và chế phẩm vi sinh, với tổng kinh phí là 11,6 tỷ đồng, trích từ ngân sách phục vụ sự nghiệp khoa học của Bộ Khoa học- Công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho biết, công nghệ sử dụng phải xử lý được sạch tảo, khử mùi, làm nước trong trở lại. Muốn làm được điều này, phải dùng tổ hợp công nghệ theo trình tự nhất định. Trước hết, sử dụng chế phẩm NTH, là một chế phẩm đã được đăng ký bản quyền tại Việt Nam, do nhóm các nhà khoa học ở khu công nghệ cao Hòa Lạc tạo ra. NTH 100, NTH 68, NTH 79 giúp xử lý tảo, kích hoạt vi sinh vật tầng đáy hoạt động. Sau đó, dùng hệ thống bơm hoạt tính - công nghệ hoạt hóa nước (còn gọi là Water Plasma). Đây là công nghệ rất mới của thế giới, hoạt động như một chiếc máy bơm có khoang từ. Theo đó, nước bẩn đi qua khoang sẽ tự biến đổi, giúp tăng tính oxy hóa khử của nước, tức là có thể chuyển từ H2O sang H2O5, H2O9 để tự làm sạch nước, song song là giải pháp thực vật thủy sinh và những bè hoa được thả xuống hồ theo quy chuẩn sẽ tạo dòng nước trong sạch.

Tuy nhiên, điều khó nhất để cải tạo hồ là phải xử lý lớp bùn tầng đáy. Các nhà khoa học của Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ cao cho biết, chế phẩm NTH 79 có thể làm giảm lượng bùn rõ rệt nhờ việc kích hoạt lớp vi sinh vật tầng đáy. Như vậy, lượng bùn có thể giảm đi 15% sau một năm, giảm từ 20-25% sau hai năm.

Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ cho rằng, đây là công nghệ hiện đại nhất của Việt Nam hiện nay, có thể mở ra triển vọng cho việc cải tạo các hồ chết, công nghệ này đã được áp dụng ở một số địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... Tại Hà  Nội, công nghệ này đã được sử dụng, xử lý ô nhiễm tại một số hồ như hồ Ngọc Khánh, hồ Quỳnh, hồ Xã Đàn, kênh nước Mỹ Đình.

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm hồ

Công ty Cổ phần xanh cho biết, giải pháp dựa trên cơ sở của một số nhân tố gồm khoáng hoạt hóa, công nghệ hoạt hóa nước, thực vật thủy sinh và cộng đồng cùng tham gia. Sử dụng khoáng hoạt hóa là công nghệ được ứng dụng từ lâu trong quá trình sản xuất sinh khối vi sinh vật, có thể áp dụng ở tất cả các dòng sông như sông Đáy, sông Cầu và các hồ lớn. Công nghệ hoạt hóa nước làm nâng cao năng lực sinh học của nước, thay đổi pH trong nước dần về giá trị là 7 tăng độ dẫn diện của nước, giảm tổng Coliform trong nước thải, tạo ra năng lượng, xúc tác các quá trình phản ứng trong nước nhanh hơn và thay đổi các tính chất của nước. Việc thiết kế và lắp đặt bè thủy sinh dự kiến với diện tích khoảng từ 1.500-2.000m2. Bè cây có tính ưu điểm được thiết kế chắc chắn, có tính thẩm mỹ và không cản trở dòng chảy, đặc biệt là thích nghi được nhiều điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng khẳng định, sau khoảng 15-20 ngày sẽ thấy được sự thay đổi cơ bản của nước hồ, nước sẽ trong hơn và bớt mùi hôi thối. Công nghệ này sẽ tiếp tục được duy trì trong khoảng thời gian từ 18-24 tháng. Sau đó chuyển giao toàn bộ công nghệ, thiết bị cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Hồ Tây, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội, Xí nghiệp thoát nước số 1 tiếp nhận để tiếp tục giữ vệ sinh mặt hồ. Theo phân tích của ông Lạng, hiện nay có thể phân ra làm hai loại hồ, một loại là hồ gần như không có nước thải bẩn hàng ngày, còn gọi là hồ tĩnh, hồ tù và loại thứ hai là hồ hàng ngày có lượng nước thải sinh hoạt rất lớn đổ xuống, cụ thể như hồ Trúc Bạch. Do đó, để xử lý ô nhiễm hồ, phải dùng công nghệ hoạt hóa nước mới đạt hiệu quả. Các máy bơm hoạt tính sẽ được sử dụng liên tục trong suốt thời gian từ 18-24 tháng. Các nhà khoa học cũng đang tính thiết kế để các máy bơm hoạt động như các đài phun nước, tạo thẩm mỹ cho khu vực.

Quy trình công nghệ tổng hợp để xử lý ô nhiễm nước hồ Trúc Bạch được đánh giá có tính khả thi, đạt hiệu quả cao và giá thành xử lý phù hợp. Sau khi cải tạo, hồTrúc Bạch đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa và thoát nước mùa mưa, góp phần giải quyết úng ngập cho các khu vực xung quanh, đặc biệt tạo cảnh quan môi trường trong lành cho người dân thủ đô.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hồ Trúc Bạch được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ hiện đạt nhất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO