Thừa Thiên Huế

Hỗ trợ việc làm cho người trở về từ vùng có dịch

- Thứ Tư, 15/09/2021, 07:07 - Chia sẻ
Trước tình cảnh hàng ngàn người lao động trở về từ các vùng có dịch đối mặt với nguy cơ không có việc làm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên nhiều phương án, kết nối với nhiều doanh nghiệp để giải quyết khâu đào tạo, hỗ trợ giúp đối tượng này có công việc ổn định với mức thu nhập tốt và gắn bó với quê nhà.

Doanh nghiệp chung tay “chia lửa”

Để tạo điều kiện cho lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương do ảnh hưởng dịch Covid-19, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản 8333/UBND-XH yêu cầu các sở ban ngành, đơn vị liên quan phải có giải pháp hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề; tăng cường kết nối cung cầu lao động, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động.

Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hàng ngàn người lao động quê ở Thừa Thiên Huế đã tạm gác mọi công việc, quay trở về quê hương. Hành trình trở về này với họ tưởng chừng sẽ gặp khó khăn với nỗi lo thất nghiệp, khó tìm công việc mới trên quê nhà, nguồn sống lâu dài ảnh hưởng…

Hiểu được những khó khăn, vất vả đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động lên kế hoạch đón những lao động xa xứ trở về vừa tránh dịch, nhưng vẫn có việc làm, bảo đảm thu nhập, lo toan được đời sống. Đơn cử Công ty Scavi Huế - công ty chuyên may mặc đóng ở KCN Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ngay khi nắm được thông tin, công ty này đã có lời mời riêng đến với những lao động ngành may mặc trở về từ vùng dịch. 

Theo đó, lao động khi vào làm việc tại Công ty Scavi Huế được hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR, hỗ trợ nóng 5 triệu đồng cho công nhân may có tay nghề khi ký hợp đồng lao động chính thức. Đồng thời, áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, ký hợp đồng và áp dụng mức lương cao tương đương với bậc tay nghề; áp dụng mức thưởng thêm 3 triệu đồng vào khoản thưởng lương tháng 13. Sau đó, nếu có nguyện vọng ở lại quê hương làm việc sẽ được xem xét tuyển dụng.

Tổng giám đốc Công ty Scavi Huế Trần Văn Mỹ cho biết, trước mắt doanh nghiệp tuyển dụng hơn 2.600 lao động và đến cuối năm, dự kiến sẽ tuyển hơn 3.000 lao động nữa.

Không chỉ vậy, để chia sẻ với bài toán với địa phương, hàng chục doanh nghiệp may mặc khác ở các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã tuyển dụng, đào tạo gần 8.000 lao động chỉ trong một thời gian ngắn. Trở về từ TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7, sau chuỗi ngày hoàn thành cách ly tập trung, Nguyễn Mỹ L. (quê ở huyện Phú Vang) ôm nỗi lo sẽ không có việc làm. Thế nhưng, không lâu sau nhận được thông tin tuyển dụng, L. đã tìm được công việc may mặc ở một công ty đóng ở Khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy). “Ở đây em được làm đúng công việc chuyên môn trước đó, có thu nhập ổn định và vui hơn là gần nhà”, L. nói.

Nhiều doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế đã tuyển dụng lao động trở về từ các vùng có dịch vào làm việc

Cơ hội của nhiều doanh nghiệp

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế, tới thời điểm này có hơn 25.000 lao động trở về. Trong số đó có gần 10.000 người có 9.791 người có nhu cầu giới thiệu việc làm, gần 1.500 lao động có nhu cầu học nghề, gần 350 người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hơn 4.600 người có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm.

Việc di chuyển lao động này cho thấy tín hiệu thách thức “giải quyết việc làm” với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là lao động phổ thông làm công ăn lương, làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may… Do vậy, nhiều doanh nghiệp cũng xác định đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh lựa chọn, tuyển dụng những lao động có tay nghề, kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 34 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc, chủ yếu là doanh nghiệp về lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông với hơn 7.500 lao động, tập trung các doanh nghiệp tại khu kinh tế, công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng xác định đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh để lựa chọn, tuyển dụng những lao động có tay nghề, kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế Đặng Hữu Phúc cho biết, hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề cũng như nhu cầu việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về để kết nối người tuyển dụng với người lao động. 

Bài và ảnh: Hoàng Phan