Hỗ trợ và tập huấn cho nghị sĩ khóa mới

- Chủ Nhật, 04/07/2021, 06:39 - Chia sẻ
Vào đầu khóa lập pháp mới, nghị sĩ sẽ được hỗ trợ về phương tiện vật chất và nhân lực để có thể thực hiện nhiệm kỳ của mình. Quá trình đón tiếp ban đầu chỉ liên quan đến mối quan hệ giữa cơ quan hành chính của Quốc hội với cá nhân nghị sĩ. Nhưng thời điểm khai mạc khóa mới lại đánh dấu sự tham gia của các nhóm chính trị.

Bố trí phòng làm việc

Kỳ họp đầu tiên của khóa mới sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các nghị sĩ ngồi trong phòng họp bán nguyệt theo thứ tự bảng chữ cái. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội và trưởng các nhóm sẽ họp để phân chia vị trí trong phòng họp cho các nhóm và xác định chỗ ngồi cho các nghị sĩ không tham gia vào nhóm nào.

Mỗi nhóm chính trị có một phòng họp và nhiều phòng làm việc dành cho các nghị sĩ và ban thư ký. Ban Tài vụ của Quốc hội sẽ quyết định việc bố trí phòng làm việc sau khi đã đạt được thỏa thuận giữa các nhóm chính trị. Các phòng làm việc thường được phân bổ theo từng tòa nhà và tỷ lệ với số người của các nhóm. Vị trí phòng làm việc của mỗi nghị sỹ sẽ do nhóm chính trị của họ đó quyết định, trong phạm vi các phòng được phân cho nhóm này. 

Thông thường, vào đầu mỗi khóa, bộ phận hành chính chung của Quốc hội lập ra sơ đồ đề xuất việc phân bổ các phòng. Sau đó, đại diện của các nhóm sẽ họp bàn để đi đến thỏa thuận giữa các bên. Trong chừng mực có thể, bộ phận hành chính sẽ đề xuất với mỗi nhóm chính khu vực của nhóm đó trong khóa trước. Các thay đổi, nếu có, sẽ chỉ làm dịch chuyển ranh giới của khu vực đó.

Hỗ trợ về tin học

Các nghị sĩ được hỗ trợ về tin học trong phòng làm việc tại Quốc hội và ở phòng làm việc thường trực của họ tại địa phương nơi họ được bầu.

Các phòng làm việc ở Quốc hội có những thiết bị mới theo tiêu chuẩn mà Phòng Tài vụ đặt ra. Những thiết bị tiêu chuẩn bao gồm hai máy tính để bàn với hai màn hình lớn, một máy đa chức năng (in, sao, fax, scan) và một máy in đen trắng.

Đối với phòng làm việc thường trực tại địa phương, các nghị sĩ được cấp một gói kinh phí dành cho cả nhiệm kỳ. Họ sẽ trực tiếp đặt mua thiết bị từ đối tác mà họ lựa chọn. Các hóa đơn sẽ do Phòng mua sắm và phương tiện vật chất của Quốc hội thanh toán. Các nghị sĩ được tùy ý sử dụng khoản kinh phí này. Ví dụ, họ có thể dùng nó để mua máy tính, các thiết bị ngoại vi, các phần mềm, hoặc chi trả cho các khóa hướng dẫn sử dụng và lập trang web.

Mối quan hệ với các trợ lý

Các trợ lý không phải là viên chức của Quốc hội, mà là những người do nghị sĩ tự tuyển dụng bằng một hợp đồng luật tư. Các nghị sĩ được toàn quyền sử dụng một khoản kinh phí do Quốc hội cấp để trả lương cho trợ lý. Các trợ lý có thể làm việc tại Quốc hội hoặc tại địa phương nơi nghị sĩ được bầu.

Nghị sĩ có thể trực tiếp quản lý việc trả lương, khai báo, cũng như thực hiện các thủ tục bảo hiểm xã hội và thuế liên quan đến hợp đồng lao động với các trợ lý. Nhưng hiện nay, chỉ có khoảng một chục nghị sĩ chọn cách tự chịu trách nhiệm. Đa số nghị sĩ đều ủy quyền cho Phòng sự vụ tài chính của Quốc hội thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động ký với các trợ lý.

Đào tạo nghề lập pháp

Quốc hội không tổ chức các khóa đào tạo cho những nghị sĩ và trợ lý mới. Họ sẽ được hướng dẫn dần trong quá trình làm việc. Các vụ văn phòng luôn sẵn sàng giúp đỡ về mọi mặt, kể cả việc soạn thảo các văn bản sửa đổi luật hoặc các dự luật.

Cùng với quá trình đón tiếp, các thủ tục về cơ sở vật chất trong những ngày đầu của mỗi khóa lập pháp là những công việc nặng nề và có ảnh hưởng rất lớn đến “hình ảnh” của Quốc hội trong mắt các nghị sĩ. Hai quá trình này nhằm tạo cho các nghị sĩ, cả những người tái đắc cử và những người được bầu lần đầu, hình ảnh về một cơ quan nhà nước hiện đại và quan tâm đến việc phục vụ tốt nhất cho công việc của các nghị sĩ, chứ không phải chỉ là những thủ tục đăng ký nặng tính hành chính.

Vũ Quỳnh