Hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập

Cao Sơn 12/11/2014 08:49

Do những rối loạn chuyên biệt, không ít trẻ em được đi học, tới trường nhưng chưa thực sự được học tập đúng nghĩa. Các nhà khoa học khuyến cáo, cần sớm nghiên cứu để nhận biết, chẩn đoán và có can thiệp, hỗ trợ kịp thời, giúp các em tránh phải đối mặt thường xuyên với thất bại trong học tập.

Nguồn: giaoducthoidai.vn
Nguồn: giaoducthoidai.vn

Thuật ngữ khuyết tật học tập (KTHT) đã có từ lâu trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. KTHT hay rối loạn chuyên biệt học tập là thuật ngữ để chỉ một nhóm phức hợp những rối loạn biểu hiện ở khó khăn trong lĩnh hội, vận dụng năng lực nghe, nói, đọc, viết, suy luận và tính toán. Nguyên nhân của KTHT được cho là do khiếm khuyết chức năng hệ thần kinh trung ương, có thể xuất hiện trong các hoạt động sống. KTHT có thể ảnh hưởng đến việc học tập của các cá nhân theo nhiều cách như thu nhận, ghi nhớ, hiểu và diễn đạt các thông tin. Khi gặp các rối loạn này, học sinh thường đối mặt với rất nhiều thách thức khi theo học chương trình phổ thông và những kỹ năng sống thường nhật.

Tại hội thảo khoa học Nhận biết, đánh giá và hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập vừa diễn ra tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Pgs, Ts Lê Văn Tạc chia sẻ, cách đây vài năm các phương tiện truyền thông đưa tin một học sinh lớp 6 không biết đọc và cho rằng giáo viên dạy có vấn đề. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, đây là một học sinh đặc biệt và cần có sự can thiệp, hỗ trợ giáo dục bằng phương pháp đặc biệt. Sở dĩ điều này gây bức xúc trong dư luận là do nhiều người chưa có kiến thức về KTHT và ngay cả giáo viên hiện cũng chưa được trang bị kiến thức hỗ trợ học sinh KTHT. Theo nghiên cứu của bà Hoàng Thị Vân - Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) - trong một lớp học bình thường có trẻ bị rối loạn chuyên biệt trong học tập, nhưng không dễ phát hiện, mà thường bị che đậy gần như không thể nhìn thấy. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô và bản thân trẻ không lý giải được tại sao các phương pháp giảng dạy không hiệu quả, cũng như thành tích học tập của trẻ luôn kém. Vấn đề này không đi kèm bất cứ khiếm khuyết nào về trí tuệ. “Việc phát hiện sớm KTHT của trẻ rất quan trọng, để có những can thiệp sớm giúp trẻ tránh khỏi việc đối mặt thường xuyên với thất bại” - bà Hoàng Thị Vân nhấn mạnh.

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu, trắc nghiệm đánh giá về KTHT. Dựa trên lý thuyết CHC (Cattel-Horn-Carroll) - lý thuyết mới có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực đánh giá trí tuệ và KTHT tại Mỹ hiện nay, Ts Khúc Năng Toàn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, cần phân biệt giữa được đi học với được học. Được đi học nghĩa là được đến trường, đến lớp. Điều này không đồng nghĩa với được học, vì rất nhiều người đến trường mà không thực sự được học do thiếu khả năng cần thiết để học được như bị KTHT. Để những người này thực sự được học, giáo viên và nhà trường cần biết cách phát hiện những khiếm khuyết về năng lực học tập của các em. Ts Khúc Năng Toàn đề xuất: “Cần sớm xây dựng hệ thống nhận diện KTHT, làm cơ sở cho việc bảo đảm quyền học tập cho mọi trẻ em Việt Nam. Để xây dựng, triển khai một mô hình nhận diện KTHT phù hợp, trước tiên, cũng là thách thức lớn nhất, là xây dựng bộ công cụ chuẩn, bao gồm công cụ đánh giá học tập và công cụ đánh giá trí tuệ. Vấn đề còn lại chỉ là những yếu tố mang tính kỹ thuật trong đánh giá và chẩn đoán”.

Hầu hết ý kiến cho rằng cần sớm nghiên cứu tìm hiểu rõ để nhận biết, chẩn đoán và can thiệp hỗ trợ học sinh có các rối loạn chuyên biệt học tập. Tuy nhiên, theo Pgs, Ts Lê Văn Tạc, đây là vấn đề thuộc phạm trù nghiên cứu liên ngành của giáo dục học, tâm lý học, tâm thần học, công tác xã hội... nên cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội. Vấn đề được nêu ra tại hội thảo và những báo cáo tham luận khoa học sẽ là tiền đề để các cơ quan quản lý nghiên cứu ban hành văn bản pháp quy về lĩnh vực giáo dục đặc biệt này.

Theo Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tỷ lệ lưu hành của KTHT ở trẻ em trong độ tuổi đi học, trong các lĩnh vực như: đọc, viết, tính toán là khoảng 5-15%, có sự khác biệt giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ. Tỷ lệ lưu hành ở người lớn chưa được xác định rõ nhưng có thể xấp xỉ 4%. Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ lưu hành của các rối loạn này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO