Hướng dẫn cụ thể để thống nhất bố trí tái định cư
Về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung quy định thành lập Quỹ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đồng thời giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, nhằm huy động, thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.
Góp ý vào dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sửa đổi), cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND tại điểm đ khoản 1 Điều 5 đối với “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” nhằm bảo đảm giám sát toàn diện đối với hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn. Đồng thời, bổ sung đối tượng giải trình này tại phiên họp của Thường trực HĐND, sửa đổi Điều 72 theo hướng: “Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và cá nhân liên quan giải trình hoặc tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm”.
Cử tri Hải Phòng phản ánh, hiện nay theo các quy định pháp luật về đất đai, việc bố trí tái định cư cho người có đất ở bị thu hồi phải di chuyển chỗ ở hoặc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân thì được bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở. Do đó, không nhất thiết phải xây nhà ở tái định cư. Tuy nhiên, hiện đang có cách hiểu không thống nhất về việc có được giao đất ở tái định cư tại quận, phường loại I hay không, hay phải xây nhà ở nên rất khó thực hiện. Để thống nhất quy định về tái định cư giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể để thống nhất việc bố trí tái định cư cho hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất (theo quy định của Luật Đất đai thì có hình thức bố trí tái định cư bằng đất ở tại đô thị loại I, theo quy định của Luật Nhà ở thì không có hình thức bố trí tái định cư bằng đất ở tại đô thị loại I).
Sớm thông qua chính sách thành lập Khu thương mại tự do
Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri Hải Phòng cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến hoạt động thành phố. Theo đó, cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, trong đó bao gồm chính sách về thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội sau khi Chính phủ trình. Kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thành phố giai đoạn 2023 - 2025 tại Kỳ họp thứ Tám để thành phố kịp thời triển khai thực hiện, chuẩn bị nhân sự phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Theo phản ánh của cử tri, thị trấn Cát Hải là một trong hai đô thị thuộc huyện Cát Hải được đánh giá là tương đương đô thị loại V với các tiêu chí đô thị cơ bản phù hợp theo quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, thị trấn Cát Hải có quy mô nhỏ (diện tích khoảng 4,9km2; dân số khoảng 6.109 người), chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô thị trấn hiện hữu và dư địa để phát triển, nâng loại đô thị trong tương lai. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về quy mô, dân số đối với thị trấn Cát Hải nói riêng và các đô thị tương đồng trên cả nước nói chung để bảo đảm việc nâng cấp, phân loại đô thị trong tương lai phù hợp với các quy định của cấp có thẩm quyền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.
Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm chấp thuận chủ trương cho các cảng thượng lưu của Cảng Nam Đình Vũ được nạo vét đoạn luồng còn lại đến âm 8,5m để bảo đảm độ sâu đồng nhất cho tuyến luồng, tạo bình đẳng cho các cảng trong khu vực; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối nội bộ các cảng trong khu vực, bổ sung cầu vượt biển và tuyến đường sau bến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp luồng đường thủy nội địa để bảo đảm các cỡ tàu hoạt động.
Đối với Bộ Tài chính, cử tri kiến nghị khi thay đổi chính sách tác động đến thu ngân sách lớn, nhất là các chính sách làm giảm thu ngân sách, Bộ nên đưa ra dự báo trước khi xây dựng dự toán hàng năm để quyết định giao dự toán ngân sách của Trung ương sát thực tế, hạn chế tác động của thay đổi chính sách đến việc thực hiện dự toán thu ngân sách hàng năm của địa phương. Cử tri cũng kiến nghị Bộ Tài chính đánh giá mức độ thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra để xem xét giao dự toán thu ngân sách năm 2025 cho thành phố bảo đảm tính khả thi và hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người nộp thuế phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.