Hỗ trợ người nghèo - cách làm mới của Ấn Độ
Để rút ngắn thời gian và ngăn chặn tham nhũng trong các chương trình trợ cấp cho người nghèo, chính phủ Ấn Độ đã quyết định thử nghiệm một dự án chuyển tiền trực tiếp cho họ qua tài khoản ngân hàng để loại bỏ các khâu trung gian.
Trên thế giới, không quốc gia nào nhiều người sống dưới mức nghèo khổ như Ấn Độ, dù nước này đã vươn lên đứng trong số năm nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hàng loạt chương trình xóa đói giảm nghèo được thực hiện nhằm xóa đi khoảng cách phát triển, nhưng phần lớn nguồn lực này đến không đúng địa chỉ, cuối cùng rơi vào tay người giàu hơn là những người cần thiết.
Bắt đầu từ năm 2013, chính phủ Ấn Độ đã quyết định xóa bỏ những nấc thang trung gian bằng cách rót thẳng tiền trợ cấp và học bổng vào tài khoản ngân hàng của khoảng 245.000 người tại 20 trong số những huyện nghèo nhất nước, nhằm ngăn ngừa tham nhũng. Hàng trăm nghìn người khác sẽ tiếp tục tham gia chương trình này trong vài tháng tới.
Ở đất nước có tới 1,3 tỷ dân với hàng trăm triệu người nghèo thì số lượng nói trên vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng một số quan chức và chuyên gia kinh tế cho rằng đó là khởi đầu một cuộc “cách mạng” thực sự, vì nó không chỉ giúp ngăn chặn tham nhũng, mà còn mang lại phương tiện giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Palaniappan Chidambaram mô tả việc chuyển khoản trực tiếp tiền hỗ trợ là “một cuộc cải cách đột phá và tiên phong”, một cách làm giúp “thay đổi cách thức quản lý”. Thừa nhận bước đi ban đầu còn hạn chế do những khó khăn thực tế, thậm chí những vấn đề nảy sinh chưa thể lường trước và cam kết tất cả vấn đề sẽ được giải quyết trước cuối năm 2013, khi chương trình được mở rộng áp dụng đại trà trên phạm vi toàn quốc.
Trên thực tế, Ấn Độ học hỏi mô hình đã được áp dụng thành công tại Mexicô và Brazil. Tại hai nước này, các gia đình nghèo nhận được một khoản tiền trợ cấp để đổi lấy việc họ thực hiện một mục tiêu xã hội, như cho trẻ em tới trường hoặc đi kiểm tra y tế thường xuyên, được nhiều tổ chức quốc tế khuyến khích. Tại Brazil, thu hút gần 50 triệu người tham gia.
Trở ngại lớn nhất của Ấn Độ là làm thế nào để phân loại và giải quyết tình trạng hàng trăm triệu người chưa thể tiếp cận ngân hàng. Chuyển tiền trực tiếp chỉ là một khía cạnh trong hàng loạt những nỗ lực rộng lớn hơn nhằm xây dựng mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả cho hàng tỷ người dân. Hiện nay, Ấn Độ đang tiến hành một dự án quy mô lớn xác định và lưu giữ đặc điểm nhận dạng bằng vân tay và tròng mắt người dân, tạo điều kiện để hàng trăm triệu người có giấy căn cước 12 chữ số, từ đó giúp họ tiếp cận mạng lưới ngân hàng, trong số nhiều mục tiêu khác. Sau ba năm, chương trình mới chỉ xác định nhận dạng cho 220 triệu người.
Theo đánh giá của Bindu Ananth, Chủ tịch tổ chức từ thiện IFMR, việc tạo điều kiện để người dân mở tài khoản ngân hàng có nhiều cái lợi, do người nghèo thường phải trả một số lệ phí khi thanh toán bằng tiền mặt. “Hai lợi ích của chương trình chuyển tiền trực tiếp là ngăn chặn thất thoát do tham nhũng và đưa người nghèo đến với hệ thống ngân hàng”, ông Surendra L. Rao, cựu giám đốc Hội đồng nghiên cứu kinh tế ứng dụng Ấn Độ, nói. “Tuy nhiên cả hai vấn đề này tôi cho rằng chưa thể diễn ra sớm”. Theo ông, người nghèo cần nhiều thứ khác ngoài việc được nhận tiền trực tiếp, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thương mại và xã hội tốt hơn.
Trước mắt, chương trình của Chính phủ sẽ khắc phục việc cung cấp trợ cấp thực phẩm và nhiên liệu cho người nghèo thông qua 50.000 cửa hàng mậu dịch của chính phủ, vốn bị đánh giá không hiệu quả và tốn kém. Mỗi năm, Chính phủ Ấn Độ rót 14 tỷ đôla cho hệ thống này, tương đương 1% GDP. Trước đây, trợ cấp được trao bằng các loại nhu yếu phẩm như thực phẩm, nhiên liệu. Qua hàng loạt nấc trung gian, thực phẩm khi đến tay người có nhu cầu thực sự chỉ còn lại rất ít, thậm chí kém chất lượng do bị ăn chặn. Cố thủ thướng Rajiv Gandhi lúc sinh thời từng ước tính chỉ có 15% đến tay người nhận, còn con trai ông, Rahul Gandhi, một chính trị gia đang lên, nhận xét hiện nay tỷ lệ này có thể giảm xuống chỉ còn khoảng 5%.
Trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt thay vì cung cấp hàng hóa có thể gây ra một số quan ngại. Một số người cho rằng người nghèo sau khi nhận tiền sẽ lãng phí hay sử dụng tiền nhận được không đúng mục đích. Tuy vậy theo đánh giá của giáo sư kinh tế gốc Ấn Arvin Panagariya của Đại học Columbia, Mỹ, đồng thời là cựu kinh tế gia trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) rằng đây không phải là điều đáng lo.
Phe đối lập chỉ trích chương trình thực chất là thủ đoạn nhằm tranh thủ phiếu của cử tri hơn là đóng góp thực sự vào việc xóa đói giảm nghèo. Một nghiên cứu do Ngân hàng thế giới mới công bố cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa hai sự kiện này, các nhóm hưởng lợi từ chương trình thường có xu hướng ủng hộ mạnh mẽ đảng trợ cấp tiền cho họ. Thực tế một số lượng khá lớn người nghèo tham gia vào chương trình này sống tại các bang do đảng Quốc đại, đảng cầm quyền tại Ấn Độ, kiểm soát.