Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Hỗ trợ người lao động vượt qua đại dịch

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 05:52 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 với diễn biến khó lường đã ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội, đặc biệt là thị trường lao động, việc làm. Theo đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cải thiện cuộc sống, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
BHXH Việt Nam luôn chủ động theo sát tình hình dịch để kịp thời hỗ trợ người tham gia
Nguồn: ITN

Khủng hoảng do dịch bệnh kéo dài

Với 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 trong 5 tháng đầu năm 2021, người lao động và doanh nghiệp trên toàn quốc đã chịu tác động tiêu cực kéo dài. Theo đó, 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 540.000 người bị mất việc và 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng làm việc; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 6,5 triệu người bị giảm thu nhập. Do yêu cầu phòng dịch, nhiều người lao động buộc phải chấp nhận làm các công việc thiếu tính ổn định, thu nhập không cao.

Theo thống kê, người lao động khu vực nông - lâm - thủy sản chịu tác động tiêu cực của dịch thấp nhất (7,5%); tiếp đến là khu vực công nghiệp, xây dựng (16,5%); khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (20,4%). Thu nhập của người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 5,2%; lĩnh vực vận tải kho bãi giảm 2,7%; lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 3%; đặc biệt là lĩnh vực du lịch lữ hành giảm 60,1%.

Cùng với đó, dịch Covid-19 cũng đã tác động đến mọi hoạt động của ngành BHXH. Trong đó, công tác phát triển người tham gia BHXH sụt giảm do một số địa phương thực hiện giãn cách, khoanh vùng; công tác giải quyết các chế độ chính sách tăng lên.

Là “điểm nóng” trong đợt dịch vừa qua, số lao động phải nghỉ việc do nằm trong khu vực bị cách ly, phong tỏa tại Bắc Giang và Bắc Ninh rất lớn. Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và cơ sở mầm non tư thục phải cho 100% lao động nghỉ việc, nên không có doanh thu dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó khăn do dịch Covid-19 khiến người lao động nhìn nhận rõ những rủi ro và hiểu hơn tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm. Bối cảnh hiện tại chính là lúc hệ thống an sinh xã hội thể hiện được vai trò của mình trong giải quyết khủng hoảng, khi mà các chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp phát huy hiệu quả hỗ trợ người dân vượt qua những thử thách, cam go. Đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để mở rộng hệ thống an sinh xã hội, phát triển đối tượng tham gia.

“Bệ đỡ” cho lao động và doanh nghiệp

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam xác định, chủ động luôn theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch để kịp thời có những đề xuất, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người tham gia trong thụ hưởng chính sách bảo hiểm.

Ngay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo BHXH các tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm tốt nhất quyền lợi khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT; thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5 và 6.2021 vào cùng một kỳ chi trả trong tháng cho người hưởng; triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - BHXH số” trong khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1.6. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng phương án tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bố trí cán bộ, công nhân viên và người lao động làm việc linh hoạt, phù hợp, tăng cường chế độ làm việc trực tuyến.

Đặc biệt, nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người lao động, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số người lao động tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4.2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4.2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Các trường hợp còn lại được tạm dừng đóng khi giảm từ 20% số người lao động tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4.2021, đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4.2021. Theo BHXH Việt Nam, dự báo sẽ có khoảng 39.000 đơn vị, doanh nghiệp với khoảng 1,15 triệu người lao động và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 8.450 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ người lao động thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày; thời gian áp dụng từ 1.6 đến hết 31.12. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đề xuất trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho người lao động theo phương thức do người lao động lựa chọn (bằng tiền mặt hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân). Trường hợp trong thời gian cách ly, người lao động chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.

Hải Yến